Bộ phim “Coco”: bài học về bảo hộ bản quyền

Bộ phim “Coco”: bài học về bảo hộ bản quyền

“Những người không khóc sau khi xem Coco đều là những người không có linh hồn”, một hình ảnh đã lan truyền phổ biến trên Internet ngay sau khi phát hành bộ phim Disney nổi tiếng – Coco – vào cuối năm 2017.

Các luật sư và học giả sở hữu trí tuệ có hai lý do để rơi nước mắt khi họ xem bộ phim này. Đầu tiên, bởi vì nó là một câu chuyện xúc động về giá trị gia đình và thứ hai, đó là bộ phim về âm nhạc, lời bài hát, âm nhạc đường phố mariachis và vai trò của bản quyền trong việc bảo vệ họ và lợi ích của người sáng tạo.

Coco của Disney kể lại câu chuyện của Miguel Rivera, một cậu bé ham mê âm nhạc, nhưng bị gia đình cấm theo đuổi ước mơ của mình vì những khó khăn mà gia định họ đã gặp phải khi ông cố của Miguel dường như đã bỏ rơi họ để sống một cuộc sống trên sân khấu. Trong nỗ lực để thực hiện ước mơ, Miguel thấy mình cùng với những hình ảnh tổ tiên trong thế giới thần bí bên kia. Đặc biệt, bản quyền nằm ở trung tâm của câu chuyện. Chỉ khi Miguel phát hiện ra những gì thực sự xảy ra với ông cố – ông đã bị giết bởi người bạn thân nhất của mình, người đã đánh cắp các bài hát của ông, biểu diễn chúng và trở nên nổi tiếng – gia đình của Miguel mới cho phép cậu bé theo đuổi con đường âm nhạc.

Bộ phim “Coco”: bài học về bảo hộ bản quyềnẢnh minh họa. Nguồn: Gamek.vn

Quyền nhân thân

Ở cấp độ quốc tế, Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (Điều 6bis) yêu cầu các thành viên phải cấp cho tác giả các quyền sau đây:

Quyền yêu cầu quyền tác giả của tác phẩm đã tạo; và quyền phản đối bất kỳ sự biến dạng hoặc sửa đổi tác phẩm có thể gây phương hại đến danh dự hoặc danh tiếng của tác giả (còn được gọi là quyền toàn vẹn).

Quyền nhân thân thuộc về mỗi tác giả. Ở nhiều quốc gia, các quyền này không thể được chuyển nhượng hay mất đi; tác giả có quyền này ngay cả sau khi họ đã chuyển giao quyền kinh tế của mình.

Ở một số quốc gia, quyền nhân thân được quy định trong luật pháp quốc gia vượt xa tiêu chuẩn quốc tế do Công ước Berne quy định. Mặc dù những điều này có thể khác với một quốc gia khác, nhưng chúng cũng đều bao gồm quyền công bố (quyết định liệu công việc của bạn có được tiết lộ hay phát hành ra công chúng hay không), và thời gian công bố; quyền hủy bỏ tất cả các bản sao thương mại có sẵn của một tác phẩm đã xuất bản trước đó (đương nhiên, với khoản bồi thường tài chính thích hợp cho bất kỳ bên thứ ba nào); và quyền tiếp cận tác phẩm gốc trong trường hợp đó là tác phẩm độc bản, chẳng hạn như tranh vẽ hoặc tác phẩm điêu khắc.

Mức độ quan trọng của quyền nhân thân ở các quốc gia áp dụng hệ thống luật dân sự (civil law) vượt xa so với các quốc gia áp dụng hệ thống pháp luật thực định (common law) như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, nơi quyền kinh tế có tầm quan trọng lớn hơn nhiều. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, cho đến khi thông qua Đạo luật Visual Artists Rights Act (VARA) vào năm 1990, các nghệ sĩ ở quốc gia đó có rất ít phương tiện pháp lý để bảo vệ sự toàn vẹn công việc của họ. Và trong khi VARA đã cải thiện tình hình, đạo luật vẫn chỉ áp dụng cho các nghệ sĩ về mặt thị giác và khá hạn chế về phạm vi của nó. Mặc dù có những khác biệt trong các hệ thống civil law và common law nhưng quyền kinh tế và quyền nhân thân là hai mặt của một đồng xu. Quyền kinh tế là động cơ của hệ thống bản quyền, chúng đảm bảo rằng tác giả được trả thù lao về tài chính và có thể kiếm sống từ công việc của mình. Như vậy, quyền kinh tế là động lực để người sáng tạo đầu tư thời gian, năng lượng và tài năng của họ vào việc làm phong phú thêm di sản văn hóa của chúng ta. Nhưng quyền nhân thân lại cung cấp cơ sở cho quyền kinh tế hoạt động. Hãy tưởng tượng một hệ thống bản quyền cho phép các nghệ sĩ sáng tác các bài hát mà khán giả yêu thích, nhưng lại bị các bên thứ ba chiếm đoạt, giả mạo quyền tác giả; hoặc trong giới nghệ thuật, một kiệt tác bị một bên thứ ba thêm hình ảnh biểu tượng của mình vào mà không có sự cho phép của nghệ sĩ. Hơn cả sự bất công khi không được công nhận là tác giả của tác phẩm mình tạo ra là tác giả sẽ không còn động lực để tạo ra tác phẩm mới nếu người khác có thể dễ dàng tự do hưởng lợi từ công việc của mình.

Quyền nhân thân và di sản của Hector Rivera

Khi câu chuyện của Hector Rivera được mở ra, khán giả bị lôi cuốn vào một câu chuyện về tầm quan trọng của quyền nhân thân của tác giả, được thể hiện trong ngày giỗ, khi gia đình và bạn bè tụ họp để tưởng nhớ những người đã chết về sự tồn tại vĩnh cửu của họ. Trong nhiều hệ thống pháp lý, quyền nhân thân bảo vệ tác phẩm của tác giả trong suốt cuộc đời tác giả và cả sau khi tác giả qua đời.

Câu chuyện của Hector nêu bật những gì có thể xảy ra khi quyền nhân thân của tác giả bị xâm phạm và danh tiếng của tác giả có thể bị hủy hoại như thế nào khi có một kẻ mạo danh họ. Trong Coco, Hector từ một nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ trở thành một kẻ lang thang không xu dính túi, trong khi kẻ chiếm đoạt tác phẩm của anh, Ernesto de la Cruz “vĩ đại” lại được miêu tả là nhà soạn nhạc và nhà biểu diễn mariachi nổi tiếng nhất trong lịch sử Mexico.

Một số người bác bỏ quyền nhân thân bởi vì nó không tạo ra bất kỳ thu nhập trực tiếp nào cho tác giả. Nhưng đối với một người làm nghề sáng tạo, quyền nhân thân là cực kỳ quan trọng, trong cuộc sống và cả sau khi họ qua đời, bởi vì quyền nhân thân bảo vệ mối quan hệ của tác giả với tác phẩm của mình – hiện thân của tài năng, sự sáng tạo của họ. Nếu không có quyền nhân thân, sự công nhận và sự bảo vệ, làm thế nào các tác giả có thể xây dựng danh tiếng của họ và ngăn chặn người khác xâm phạm chúng? Quan trọng hơn, làm thế nào để người làm nghề sáng tạo có thể chắc chắn về thù lao cho tác phẩm của họ khi mà quyền nhân thân của mình không được đảm bảo?

Coco là một đại diện mạnh mẽ của những thiệt hại và khó khăn thực sự có thể phát sinh khi quyền nhân thân bị xâm phạm. Trong Coco, ông cố của Miguel, Hector Rivera là một nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ, những tác phẩm của ông bị đánh cắp bởi Ernesto de la Cruz, và ông trở thành một kẻ lang thang không một xu dính túi.

Trong phim, khi Ernesto De la Cruz sát hại Hector Rivera, hắn không chỉ kết thúc cuộc đời Hector mà còn xóa đi tất cả ký ức, và toàn bộ di sản của Hector khi ăn cắp lời và bài hát của ông. Điều này được chứng minh bởi bài hát của Hector “Remember Me”, bài hát mà ông đã sáng tác cho con gái – bài hát tóm gọn sự độc đáo trong tác phẩm của Hector. Bởi vì hành động của Ernesto, gia đình của Miguel đã ghét âm nhạc vì tin rằng đó chính là nguồn gốc sự khó khăn của họ. Nhưng thực tế, không phải Hector đã bỏ rơi gia đình mình, mà nguyên nhân xuất phát từ hành động xâm phạm bản quyền một cách cực đoan của Ernesto De la Cruz.

Như đã đề cập ở trên, quyền nhân thân cũng đóng một vai trò quan trọng sau khi tác giả qua đời, nó cho phép những người thừa kế của tác giả bảo vệ tác phẩm của họ. Bằng cách mô tả một thế giới trong đó người chết không thể bảo vệ quyền lợi của mình, bộ phim nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy tắc và thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư, quyền tác giả, tính toàn vẹn, quyền tiếp cận và phẩm giá của tác phẩm gốc của tác giả trong cuộc sống của họ.

Hãy tưởng tượng có bao nhiêu câu chuyện như Hector thực sự diễn ra trong thế giới thực. Đạo văn chính là kẻ thù lớn nhất đối với quyền nhân thân của tác giả, là một trong những loại vi phạm khó phát hiện nhất. Bởi vì các tác giả thường có hiểu biết kém về luật bản quyền và bởi vì người vi phạm luôn cố gắng che giấu hành vi của họ. Hai yếu tố này gây khó khăn cho các luật sư để chứng minh rằng vi phạm đã thực sự xảy ra.

Người ta cũng có thể chỉ ra những điểm tương đồng giữa quyền nhân thân trong Coco và sự tăng lên về số lượng những nhà văn ma chúng ta thấy ngày nay. Các nhà văn ma tạo ra một tác phẩm, thay mặt cho một bên thứ ba để giành lấy lấy tiền và hiểu rằng sự đóng góp của họ cho tác phẩm đó không được công nhận. Thuật ngữ “ma” bây giờ cũng có thể được áp dụng cho các nhà thơ trữ tình, biên kịch, họa sĩ, nhà điêu khắc và nhiều nhà sáng tạo khác. Thuật ngữ “nhà văn ma” rất phổ biến trong các hệ thống common law. Tuy nhiên, trong các hệ thống civil law, chúng không được công nhận, vì bản chất không thay đổi về quyền nhân thân là nó không thể từ bỏ hay chuyển giao.

Trong hành trình nỗ lực thực hiện ước mơ, Miguel thấy hình bóng mình trong những người đi trước ở thế giới bên kia, nơi cậu phát hiện ra những gì thực sự xảy ra với ông cố của mình. Bản quyền và quyền nhân thân chính là trọng tâm chủ yếu của bộ phim.

Bộ phim “Coco”: bài học về bảo hộ bản quyềnẢnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn

Giáo dục trẻ em về đạo đức

Câu chuyện của Hector Rivera là một đại diện mạnh mẽ về những ảnh hưởng và khó khăn thực sự có thể phát sinh khi quyền nhân thân bị vi phạm. Có ít nhất ba điểm nhấn trong phim: sự phát hiện rằng ông cố của Miguel chính là Hector Rivera, một nhà soạn nhạc và ca sĩ mariachi nổi tiếng; sự khám phá rằng Coco là con gái của Hector; và việc Miguel giải thích về “Remember Me” cho bà của mình, mẹ Coco. Sau khi bộ phim kết thúc, khán giả vẫn còn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với Ernesto de la Cruz. Nhưng may mắn thay, kết thúc bộ phim là một happy ending, từ góc độ pháp lý. Đầu tiên, chúng ta thấy ngôi mộ vô chủ của Ernesto bị treo dòng chữ “bỏ quên”, bị bao phủ trong mạng nhện và bụi. Thứ hai, một hướng dẫn viên du lịch giải thích cách Miguel (cùng với sự giúp đỡ của những lá thư mà mẹ Coco nhận được từ cha cô) đã vạch trần những hành vi vi phạm của Ernesto và khôi phục danh tiếng cho Hector Rivera.

Tất nhiên, Coco đã làm hài lòng những người hâm mộ Disney, nhưng nó cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ cho trẻ em về tầm quan trọng của quyền nhân thân và hậu quả của việc không tôn trọng quyền đó. Các nhà làm phim thường bị tác động bởi tầm quan trọng về kinh tế của quyền sở hữu trí tuệ trong phim, tuy nhiên quyền nhân thân lại thường bị bỏ quên ở trong bóng tối. Và Coco đã phá vỡ khuôn mẫu đó.

Những bộ phim dành cho trẻ em như Coco là một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sự hiểu biết về vai trò và tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và tác động mà vi phạm có thể ảnh hưởng đối với tác giả và gia đình của họ.

Những đứa trẻ khi xem bộ phim như Coco có tâm trí cũng giống như bọt biển; chúng sẽ hấp thụ tất cả mọi thứ. Phim và chương trình truyền hình là những phương tiện mạnh mẽ để giải thích các giá trị đạo đức cho trẻ em. Trong một ngành công nghiệp thường xuyên bị vi phạm bản quyền và đạo nhái, phim là một cách thông minh để nâng cao hiểu biết về vai trò, tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ cũng như bản quyền và gây ấn tượng với trẻ em về tác động có thể gây ra cho tác giả và gia đình của họ.

Có thể cho rằng, thiệt hại do vi phạm quyền nhân thân không thể so sánh với việc vi phạm quyền kinh tế, nhưng Coco thể hiện sự tương tác chặt chẽ giữa các quyền. Thực tế là di sản của Hector đã bị mất vì quyền nhân thân của ông bị xâm phạm có nghĩa là gia đình ông cũng không nhận được tiền bản quyền hợp pháp từ những bài hát mà Hector sáng tác mà Ernesto đã đánh cắp. Từ đấy, chúng ta thấy rằng quyền kinh tế không thể hoạt động hiệu quả nếu như không có quyền nhân thân.

Những thông điệp mạnh mẽ này sẽ được hàng ngàn gia đình xem bộ phim tiếp nhận và rất có thể, họ sẽ ghét hình tượng Ernesto De la Cruz vì hành động của hắn và luôn có suy nghĩ ăn cắp bài hát và lời bài hát của một nghệ sĩ có thể mang lại sự bất hạnh và bi quan cho tác giả và gia đình của họ. Bằng cách diễn tả vấn đề này trong các bộ phim của trẻ em, các nhà làm phim đã giúp cho những thế hệ công dân mới có được nhận thức về bản quyền. Đó là giá trị được mang lại cho khán giả xem những bộ phim như Coco .

Mọi luật sư và học giả về sở hữu trí tuệ (kể cả những người đã cho con mình đến xem Coco) luôn có một hi vọng rằng: “Một ngày khi con trai hay con gái của chúng tôi có mong muốn trở thành một nghệ sĩ, nhà soạn nhạc hay nhà văn, chúng tôi cũng không phải hoảng sợ, thay vào đó có thể bình tĩnh với niềm tin rằng tác phẩm của chúng sẽ được tôn trọng và bảo vệ” và rồi có thể ủng hộ, cổ vũ chúng.

(Theo WIPO)

Trademark-troll

Năm 2009, Zhan Baosheng, một doanh nhân tại Quảng Châu kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm, nộp đơn đăng ký nhãn hiệu TESLA cho nhiều hàng hóa, bao gồm cả ô tô tại Trung Quốc. Khi phát hiện sự việc, Tesla Motors đã đề nghị mua lại nhãn hiệu, ông Zhan đưa ra mức giá là 32 triệu đô la Mỹ. Tesla Motors từ chối bởi mức phí quá cao. Để đáp trả, nhà sản xuất ô tô kiện ngược trở lại ông Zhan. Ban đầu, lợi thế nghiêng về Tesla Motor. Tuy nhiên, ông Zhan đã kháng cáo và kiện Tesla xâm phạm nhãn hiệu, đòi bồi thường thiệt hại 3,9 triệu đô la Mỹ và yêu cầu Tesla Motors ngừng tất cả các hoạt động marketing cũng như đóng cửa tất cả các showroom ô tô gắn tên TESLA. Sau một thời gian thương lượng, vào tháng 8 năm 2014, hai bên đã ký một thỏa thuận, theo đó ông Zhan sẽ từ bỏ các quyền đối với nhãn hiệu TESLA và Tesla thì sẽ rút yêu cầu bồi thường. Tesla đã mua lại nhãn hiệu, tên miền bao gồm cả tesla.cn và teslamotors.cn từ ông Zhan với giá mua không được công bố.

Trademark-trollNguồn ảnh: Freepik.com

Đây là một trong những vụ điển hình về trademark-trolls. Trademark-trolls được hiểu là một người thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu không phải do mình sáng tạo và phát triển. Sau khi được cấp văn bằng, họ sẽ tìm đến chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu mà mình đã đăng ký để yêu cầu chấm dứt việc sử dụng và đòi bồi thường thiệt hại vì xâm phạm nhãn hiệu.

Tình huống này thường xảy ra ở những quốc gia áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file), là nguyên tắc mà quyền ưu tiên được cấp quyền sở hữu trí tuệ thuộc về người nộp nhãn hiệu đầu tiên. Các trolls thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết hay sơ suất chưa kịp đăng ký ở các thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp để kiếm lợi bất chính.

Nếu chẳng may trở thành nạn nhân của trademark-troll, đừng bối rối, có rất nhiều cách khác nhau để phản kháng lại các trolls. Mua lại nhãn hiệu của chính mình hay kiện ngược lại trolls tùy thuộc vào tình hình thực tế và mong muốn của doanh nghiệp.

Phần lớn các nạn nhân khi mới nhận diện được troll, thường chọn cách “kiện ngược”. Họ dựa vào quy tắc một người chỉ có quyền đăng ký tài sản trí tuệ đối với những gì thuộc về họ được quy định ở hầu hết các quốc gia. Việc này được thực hiện thông qua thủ tục phản đối đơn hoặc yêu cầu hủy bỏ văn bằng (trong trường hợp văn bằng đã được cấp) với lý do các trolls đã đăng ký nhãn hiệu với động cơ không trung thực (bad faith). Thành công của việc phản đối hoặc yêu cầu hủy bỏ sẽ phụ thuộc vào mức độ tin cậy của bằng chứng do các nạn nhân đưa ra.

Đa số các quốc gia cũng có quy định rằng, nếu đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng thì sau một thời gian nhất định thì có thể bị chấm dứt hiệu lực. Và thường thì thời gian này là 5 năm như Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Việt Nam. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, còn yêu cầu người nộp đơn cam kết về việc sử dụng nhãn hiệu trước khi nó có thể được đăng ký.

Rất nhiều trường hợp, các nạn nhân sau khi cân nhắc mọi lợi thế có thể được và mất nếu “kiện ngược” trolls, đã quyết định mua lại nhãn hiệu của chính mình. Nếu buộc phải lựa chọn biện pháp này, hãy cân nhắc thật cẩn thận phạm vi mà mình định mua, hãy tìm kiếm tư vấn từ các chuyên gia. Trolls không phải là chuyên gia định giá, do vậy giá trị nhãn hiệu mà trolls chào bán có thể không cao đến mức như vậy.

Nhưng cách thức tốt nhất vẫn là chủ động ngăn ngừa việc trolls tấn công bằng việc đăng nhãn hiệu sớm, và trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh đặc biệt tại các thị trường “màu mỡ”. Khi đăng ký ra nước ngoài, nếu có thể hãy tận dụng lợi thế quy định tại Công ước Paris về quyền ưu tiên. Công ước Paris quy định khi đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại một quốc gia là thành viên Công ước Paris, ngày nộp được sử dụng làm cơ sở cho việc nộp đơn tiếp theo tại các lãnh thổ khác cũng là thành viên Công ước Paris (quốc gia gốc). Nếu những đơn tiếp theo này được nộp trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn tại quốc gia gốc, quyền ưu tiên đăng ký nhãn hiệu có thể được tính trở lại vào ngày nộp đơn tại quốc gia gốc. Điều này rất hữu ích khi “đáp trả” trolls nếu trolls nộp đơn tại quốc gia khác trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn tại quốc gia gốc.

Mặt khác, khi tiến hành kinh doanh tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp phải chắc chắn rằng mình có đối tác thương mại đáng tin cậy ở đó. Lịch sử tranh chấp về nhãn hiệu vì lý do trademark-troll không hiếm những trường hợp mà trolls là đơn vị thầu phụ, đơn vị gia công, nhà phân phối hoặc đại lý của doanh nghiệp tại thị trường sở tại. Giành lại được nhãn hiệu, doanh nghiệp cũng phải trải qua một vụ kiện tụng đau đầu và vô cùng tốn kém.

Để hạn chế rủi ro từ trolls, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên giám sát các tài sản trí tuệ, xem lại danh mục nhãn hiệu hiện có của mình để kịp thời duy trì hoặc gia hạn hiệu lực. Nếu doanh nghiệp có nhãn hiệu mới, ngay lập tức nên đăng ký để lấy ngày ưu tiên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên theo dõi các đơn đăng ký nhãn hiệu mới nộp để nhận biết sớm các trolls hay các đơn có khả năng xung đột với nhãn hiệu được bảo hộ của mình. Trên thực tế, việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu hiệu quả tốt hơn việc yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu đã được cấp bằng.

Và cuối cùng, doanh nghiệp cần lưu giữ tất cả các email và liên lạc với trolls trong trường hợp cần chứng minh một đơn đã được nộp với động cơ không trung thực, điều này rất hữu ích khi tấn công lại trolls bằng cách thức “kiện ngược”.

Tam Tran (IP Attorney)

IPCom Vietnam

Character merchandising: Lợi thế thương mại từ người nổi tiếng

Kinh doanh hình ảnh và tên tuổi nhân vật là một ngành nghề kinh doanh không mới trên thế giới đặc biệt tại các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam ngành nghề này còn chưa được định danh, danh tiếng của nhân vật nổi tiếng, bộ phim nổi tiếng còn đang bỏ ngỏ và chưa được khai thác bài bản để có thể mang lại các lợi thế thương mại. Và vì không có các quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt, dẫn đến việc có rất nhiều trở ngại trong việc phát triển ngành nghề này.

Kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật là sự khai thác thương mại mang tính thứ cấp, được thực hiện bởi người sáng tạo (đối với nhân vật hư cấu) hoặc một cá nhân có thật (đối với người nổi tiếng sử dụng tên tuổi, hình ảnh của chính mình vào việc kinh doanh). Sở dĩ khách hàng có mong muốn mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn giá trị thực sự cho một sản phẩm bởi nó tạo ra sự liên tưởng đến nhân vật có danh tiếng, một bộ phim hoặc sự kiện nào đó nổi tiếng, ví dụ như nhân vật chuột Mickey (Walt Disney), chú ấu trùng tinh nghịch Larva (TuBa), các diễn viên được coi là “vũ trụ VTV” trong bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” hay các cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam gần đây liên tiếp giành thắng lợi trong những trận đấu quan trọng. Thậm chí, các câu khẩu hiệu, câu thoại từ một bộ phim, một đoạn nhạc, hình dáng và các nét đặc trưng của nhân vật cũng có thể được sử dụng kinh doanh bằng việc in ấn chúng lên các sản phẩm để khai thác thương mại hoặc sử dụng chúng trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị.

Character merchandising: Lợi thế thương mại từ người nổi tiếngSau thành công của U23 Việt Nam tại Thường Châu, Quang Hải và các đồng đội của mình đã trở thành gương mặt đại diện cho nhiều nhãn hàng, thậm chí có đơn vị còn đăng ký nhãn hiệu với tên “Park Hang Seo.” (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Cuối năm 2017, Disney đã nộp đơn đến Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ phản đối đơn của một công dân Trung Quốc vì đã đăng ký làm nhãn hiệu câu trích dẫn nổi tiếng “You are braver than you believe, stronger than you seem, and smarter than you think” trong bộ phim Gấu Pooh do hãng này sản xuất, hay HBO không ngần ngại cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông đăng trên twitter một câu khiến người ta liên tưởng và gợi nhớ đến bộ phim “Game of Thrones” đình đám của hãng này. Điều đó cho thấy rằng tiềm năng kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật là rất phong phú.

Kinh doanh dựa trên nhân vật hư cấu

Hình thức kinh doanh này bắt nguồn từ nhân vật hoạt hình nổi tiếng, chuột Mickey, Tintin, Pinochio, Doreamon… Khi xem xét nhân vật hư cấu dưới góc độ kinh doanh thương mại, chúng ta thường quan tâm đến hình dáng, sự kết hợp màu sắc, cách phát ra âm thanh của chúng… Các nguồn gốc chính của các nhân vật hư cấu là: từ các tác phẩm văn học như Alice (Alice in wonderland), từ các tác phẩm mỹ thuật, ví dụ như Mona-Lisa (Da Vinci), nhân vật được tạo ra vì mục đích kinh doanh, Fido-Dido (Seven-Up), Michelin (hãng lốp xe Michellin); nhân vật từ các bộ phim điện ảnh, phim bộ hoặc video, các nhân vật này khá hiệu quả để quảng bá sản phẩm, lan tỏa sự nhận biết sản phẩm nhờ chúng tiếp cận được một lượng khán giả lớn. Mặt khác, các tác phẩm này mang tính giải trí cao nên cũng tác động tới người xem tốt hơn, ví dụ chú sư tử Simba (Lion King), gấu trúc Pooh (Kung Fu Panda), người khổng lồ xanh Shriek, người tuyết Frozen…, những nhân vật này đều rất nổi tiếng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với thiếu nhi.

Kinh doanh danh tiếng của nhân vật thực tế

Hình thức kinh doanh này là sử dụng người nổi tiếng trong hoạt động marketing bao gồm việc sử dụng các thuộc tính quan trọng như tên, hình ảnh, giọng nói, mức độ ảnh hưởng của nhân vật trong một lĩnh vực cụ thể và các đặc điểm khác của nhân vật. Các thuộc tính của nhân vật khi được sử dụng thương mại hóa thường đã và đang được biết đến rộng rãi trong công chúng. Các nhân vật thực tế không chỉ là các ngôi sao trong lĩnh vực giải trí, như các diễn viên điện ảnh, các ca sỹ, người mẫu mà còn mở rộng ra trong lĩnh vực thể thao, hoặc các thành viên hoàng tộc danh tiếng. David Beckham đã sử dụng rất hiệu quả danh tiếng của mình trong lĩnh vực thời trang, mặc dù lĩnh vực hoạt động tạo nên danh tiếng của anh là thể thao.

Việc liên kết người nổi tiếng với sản phẩm mang lại khá nhiều lợi ích kinh doanh và quan trọng nhất chính là sự tin tưởng từ khách hàng. Nhờ vào sự ảnh hưởng của mình nên khi một nhân vật nổi tiếng chấp nhận và tán dương một loại sản phẩm hàng hóa thì công chúng có cảm giác yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhân vật nổi tiếng cho thấy họ đã sử dụng sản phẩm, đó như một kiểm định mẫu cho khách hàng lựa chọn mua. Trên thực tế, theo quan điểm thương mại, những doanh nhân tin rằng lý do chính để một người mua hàng bình dân với giả rẻ không phải bản thân hàng hóa đó mà bị cuốn hút bởi tên tuổi hay hình ảnh của những người nổi tiếng được gắn với sản phẩm.

Character merchandising: Lợi thế thương mại từ người nổi tiếngNghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc – là một diễn viên Xuân Bắc cũng mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang các chương trình truyền hình. Với lợi thế sẵn có dựa vào danh tiếng, Xuân Bắc trở thành gương mặt đại diện của một số chương trình thiện nguyện để thu hút sự tham gia của công chúng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Kinh doanh hình ảnh

Kinh doanh hình ảnh là hình thức mới xuất hiện trong những năm gần đây, bao gồm việc sử dụng nhân vật phim hư cấu, nhân vật trong các kênh truyền hình mà do các diễn viên thực tế diễn xuất phục vụ cho hoạt động marketing và quảng cáo hàng hóa dịch vụ. Trong các trường hợp đó, công chúng sẽ có chút khó khăn để phân biệt nhân vật trong phim với diễn viên đảm nhận vai diễn đó. Ví dụ như nhân vật thuyền trưởng Jack Sparrow do Johnny Depp thủ vai hay nhân vật Hannah Montana do Miley Cyrus diễn xuất, các quảng cáo có sử dụng nhân vật Phan Quân, Lương Bổng trong bộ phim Người Phán Xử…trong những trường hợp đó, công chúng rất dễ liên tưởng nhân vật yêu thích của họ với sản phẩm có hình ảnh nhân vật và đó là động lực thúc đẩy họ ra quyết định mua bởi vì sự hâm mộ dành cho nhân vật.

Các quyền và sự sở hữu quyền gắn liền với nhân vật

Lợi thế của tên tuổi, hình ảnh gắn với nhân vật là rất to lớn trong hoạt động kinh doanh, do vậy, nhà kinh doanh cần xác định được quyền gắn liền với nhân vật để tiến hành kinh doanh hợp pháp, Quyền đối với nhân vật hư cấu thường là quyền tài sản, bao gồm quyền sử dụng, quyền khai thác và hưởng lợi từ việc sử dụng, quyền định đoạt và quyền này thuộc về tác giả hoặc tổ chức đầu tư tạo nên tác phẩm, trừ khi quyền được bán cho người khác.

Character merchandising: Lợi thế thương mại từ người nổi tiếngCố nghệ sỹ Trần Lập – Rất nhiều các hãng bảo hiểm nhân thọ sử dụng trái phép hình ảnh Trần Lập để quảng cáo cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của mình nhờ vào uy tín và danh tiếng của anh (Ảnh: Bức Tường cung cấp)

Đối với nhân vật người thực sự xác định phức tạp hơn, các quyền sẽ gắn liền với tên, hình ảnh hoặc hình dáng của nhân vật thường là quyền nhân thân, bao gồm quyền sử dụng các đặc điểm cá nhân và nhận lợi ích từ việc sử dụng quyền đó. Các quyền này thuộc về chính cá nhân có danh tiếng, đặc biệt là quyền nhân thân, đối với việc khai thác thương mại cá nhân có thể ủy quyền hoặc bán quyền cho một tổ chức kinh doanh.

Các hình thức bảo hộ

Luật quan trọng nhất bảo vệ cho các nhân vật được sử dụng trong hoạt động kinh doanh là Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hình ảnh, tên tuổi nhân vật lại được quy định tại các chế định khác nhau, do đó, đôi khi có sự chồng lấn trong việc bảo hộ nhân vật ngay trong phạm vi Luật Sở hữu trí tuệ.

Quyền tác giả

Đối với nhân vật hư cấu, quy định của luật về quyền tác giả không bảo hộ tên của một nhân vật hư cấu riêng biệt với tác phẩm. Mặc dù vậy, bảo hộ quyền tác giả dành cho tên nhân vật có thể được một số các quốc gia thừa nhận nếu nhân vật hư cấu đã được mô tả đầy đủ, chi tiết và chứa đựng những điểm khác biệt, sự nổi tiếng nhất định giúp công chúng có thể nhận ra mà vẫn tách biệt với tác phẩm gốc. Tức là nhân vật đã trở thành một “hình tượng” được bảo hộ một cách độc lập nếu chúng đạt được những tiêu chuẩn về tính nguyên gốc và tính định hình theo quy định của luật bản quyền.

Tranh chấp về 4 nhân vật trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt giữa họa sỹ Lê Linh và Công ty TNHH Giáo dục và Truyền thông giải trí Phan Thị trong thời gian gần đây là một tranh chấp điển hình về hình tượng nhân vật. Việc xác định ai đúng, ai sai phụ thuộc nhiều vào việc xác định 4 nhân vật trong bộ truyện có đủ điều kiện trở thành một “tác phẩm độc lập” tách ra khỏi tác phẩm gốc hay không.

Người thực

Trong nhiều trường hợp, việc bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động kinh doanh dựa trên người nổi tiếng cũng có những sự giới hạn nhất định, vì quyền tác giả không trao cho người sở hữu các thuộc tính nổi tiếng mà chỉ trao cho người tạo ra tác phẩm mang các thuộc tính ấy. Chẳng hạn họa sỹ vẽ tranh chân dung một người nổi tiếng, quyền tác giả thuộc về họa sỹ mà không phải người nổi tiếng trong tranh.

 

Character merchandising: Lợi thế thương mại từ người nổi tiếngDiễn viên Hoàng Anh Vũ – “Về nhà đi con” đánh dấu sự trở lại của Hoàng Anh Vũ với nghệ thuật, và sau bộ phim này, Hoàng Anh Vũ cũng “đắt sô” quảng cáo và đại diện cho các nhãn hàng hơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đối với tác phẩm nhiếp ảnh, có khá nhiều sự tranh cãi về người thực sự có quyền tác giả với tác phẩm. Phần lớn các trường hợp, tác giả các bức ảnh sẽ là người có quyền tác giả. Nếu một tác phẩm nhiếp ảnh được đặt làm vì mục đích cá nhân hoặc mục đích nội bộ thì bên yêu cầu thường có quyền ngăn cản việc tạo ra một tác phẩm sao chép hoặc cấm việc công bố tác phẩm ra công chúng.

Khi được pháp luật bảo hộ, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền khai thác thương mai nhân vật được bảo hộ sẽ có những độc quyền trong việc kinh doanh nhân vật. Điều này có nghĩa là nếu không có sự đồng ý chủ sở hữu quyền hoặc ủy quyền của chủ sở hữu quyền, không ai được sử dụng hình ảnh nhân vật trong hoạt động kinh doanh. Sự bảo hộ có thể mở rộng đến việc sử dụng tác phẩm để truyền thông, sản xuất sản phẩm mang hình ảnh nhân vật, hoặc sử dụng cho mục đích xúc tiến thương mại.

Kiểu dáng công nghiệp

Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đa phần liên quan đến các nhân vật hoạt hình được thể hiện trong các kiểu dáng có tính mỹ thuật cho các vật phẩm ba chiều trong lĩnh vực đồ chơi, văn phòng phẩm, phụ kiện thời trang, đồ trang sức như búp bê, robot, con rối, kẹp, trâm cài tóc. Các nhân vật được ứng dụng chủ yếu là các nhân vật hoạt hình, đôi khi cũng là một nhân vật có thực có danh tiếng.

Điều quan trong trong việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng này phải gắn với một sản phẩm cụ thể, bởi kiểu dáng công nghiệp là hình thức bên ngoài của sản phẩm và khác với quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể được bảo hộ nếu được đăng ký.

Nhãn hiệu

Những đặc điểm cá nhân quan trọng của một nhân vật hư cấu có thể được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu. Người nổi tiếng cũng có thể đăng ký bảo vệ cái tên của mình, tuy nhiên, sự đăng ký này phải gắn với các sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Và chủ sở hữu của nhãn hiệu đã đăng ký sẽ có quyền ngăn cản các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu.

Cạnh tranh không lành mạnh

Có nhiều sự khác nhau giữa các quyền bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu đã đăng ký, kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký với bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh. Quyền sở hữu công nghiệp phát sinh từ đơn đăng ký và do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trao cho, theo đó, chủ sở hữu có quyền độc quyền với đối tượng trong đơn. Trong khi đó, bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh lại không dựa trên các vấn đề sở hữu tài sản này mà nó được xem xét dựa trên quy định của luật pháp khác có liên quan như Luật cạnh tranh. Theo quy định trong luật cạnh tranh các chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, nếu sử dụng hình ảnh, tên tuổi nhân vật có ý định liên tưởng hoặc khai thác danh tiếng của các nhân vật là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật

Các hình thức khác

Nhiều quốc gia ban hành các quy đinh, có thể ở dạng luật chung (như quy định trong bộ luật dân sự) hoặc ở dạng các đạo luật cụ thể, cho phép chủ sở hữu nhân vật hoặc đặc điểm của nhân vật nổi tiếng bảo vệ họ và nhân vật của họ trước các hành vi khai thác thương mại, quảng cáo và các hình thức sử dụng trái phép. Nhìn chung, các quyền này sẽ bổ sung cho hoạt động bảo hộ nhân vật, quyền mà vốn dĩ chỉ tồn tại trong phạm vi của luật sở hữu trí tuệ.

Hình ảnh tên tuổi, nhân vật gắn liền trong lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, việc kinh doanh hình ảnh tên tuổi nhân vật lại được mở rộng ra trong tất cả trong lĩnh vực kinh doanh. Trong đa số các trường hợp, việc sử dụng hình ảnh tên tuổi nhân vật sẽ mang lại những lợi thế thương mại nhất định cho người biết cách khai thác hợp lý và phù hợp quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, việc áp dụng chế định pháp luật nào khi kinh doanh ngành nghề này phải phụ thuộc vào từng trường cụ thể và đòi hỏi việc áp dụng pháp luật một cách linh hoạt phù hợp nguyên tắc pháp luật chung và thông lệ quốc tế.

© Tám Trần – Phương Thảo