Năm cấp độ tự phân biệt của nhãn hiệu

Đặt tên một thương hiệu là một công việc cực kỳ đau đầu, điều này các nhà tư vấn thương hiệu “thấm đòn” nhất. Có những khi đưa ra gần chục cái tên, nhưng đều bị các IP Attorneys phản đối bởi hoặc khả năng tự phân biệt kém hoặc lại bị trùng/tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước.

Để xem xét khả năng đăng ký của một nhãn hiệu, trước khi xem xét có bị trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với đối tượng có trước hay không thì phải xem xét đến việc nhãn hiệu đó có khả năng tự phân biệt hay không. Theo quan điểm về mặt pháp lý, có năm cấp độ để đánh giá khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu như sau:

 

Năm cấp độ tự phân biệt của nhãn hiệu

Nguồn: Internet

Generic marks

Genenic marks là tên của một sản phẩm, và khả năng phân biệt của generic marks là kém nhất, bởi ai cũng có quyền sử dụng tên sản phẩm để giới thiệu sản phẩm dịch vụ của mình. Nếu độc quyền cho người nào đó tên một sản phẩm, dịch vụ đăng ký cho chính sản phẩm dịch vụ đó thì sẽ ngăn chặn những người khác sử dụng tên này trong kinh doanh, và như vậy là tạo ra sự không công bằng. Việc được cấp bằng độc quyền kèm theo các yếu tố khác (ví dụ logo, các biểu tượng đính kèm) không có nghĩa là các chủ sở hữu được sử dụng độc quyền cho từ này, họ chỉ được độc quyền cho cách thiết kế của tổng thể nhãn hiệu đã nộp đơn mà thôi.

Ví dụ về các generic marks: Paracetamol, Aspirin cho sản phẩm thuốc, Fruit cho dịch vụ phân phối trái cây, Bia hay Café hay Bistro đăng ký cho nhà hàng ăn uống, quán bar hoặc quán café …

Descriptive marks

Descriptive marks là từ mô tả một sản phẩm dịch vụ, chỉ nơi sản xuất, thành phần, công dụng của sản phẩm … Việc sử dụng một từ mô tả sản phẩm dịch vụ để giới thiệu sản phẩm dịch vụ tới công chúng là quyền của các nhà kinh doanh. Do vậy, về nguyên tắc pháp luật cũng sẽ từ chối bảo hộ cho những cái tên mang tính mô tả ví dụ như Fresh cho dịch vụ cung cấp thực phẩm, Sạch cho sản phẩm xà phòng, chất tẩy rửa, Cool hay Chill cho dịch vụ vui chơi giải trí … Tuy nhiên, trên thực tế có những Descriptive marks vẫn được cấp bằng độc quyền dù không đi kèm với bất kỳ một biểu tượng nào cả, bởi những nhãn hiệu có tính mô tả đó đã được chủ sở hữu sử dụng quá rộng rãi, phổ biến đến mức nó đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng, ví dụ dầu gội đầu Clear, xe gắn máy Best, pháp luật gọi những trường hợp này là những trường hợp đạt được “ý nghĩa thứ cấp” (secondary meaning) – khả năng phân biệt thứ cấp thông qua quá trình sử dụng lâu dài và phổ biến.

Suggestive marks

Suggestive marks là từ gợi ý về sản phẩm dịch vụ. Đây là cách đặt tên được sử dụng tương đối phổ biến bởi từ gợi ý sẽ gợi lên sự liên tưởng về sản phẩm dịch vụ nhanh nhất. Ví dụ như xe ô tô Jaguar, siêu thị 7-Eleven, máy tính Surface …

Phần lớn các Suggestive marks sẽ có khả năng đăng ký, tuy nhiên khả năng phân biệt không được đánh giá cao và cũng rủi ro lớn khi đăng ký bởi những trường hợp này sẽ bị phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan nhà nước. Và đôi khi để giành được quyền đối với nhãn hiệu này cũng tương đối vất vả.

Đây là cách đặt tên khá được ưa chuộng bởi ở cấp độ này sẽ dễ dàng trung hòa được quan điểm của hai bên luôn luôn có ý kiến trái ngược nhau là IP Attorneys và Marketers. Nhãn hiệu với ý nghĩa gợi ý về sản phẩm dịch vụ sẽ dễ dang thực hiện các hoạt động quảng bá, truyền thông mà vẫn có khả năng bảo hộ.

Arbitrary marks và Fanciful marks

Đây là những cấp độ của nhãn hiệu với khả năng đăng ký cao nhất, đặc biệt là Fanciful marks – từ tự tạo, là từ không có nghĩa trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, do chủ sở hữu sáng tạo ra. Sở dĩ Fancial marks được coi là có khả năng tự phân biệt cao nhất bởi bên xâm phạm thật khó lý giải trùng lặp về mặt ý tưởng trong trường hợp thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng nhãn hiệu của người khác để trục lợi. Ví dụ như: Xerox, Kodak, Pepsi, ..

Với Arbitrary marks (từ tùy ý), khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu cũng ở cấp độ cao, đây là trường hợp mà sử dụng một từ đã có nghĩa sẵn trong từ điển để đặt tên cho thương hiệu mà nghĩa đó không có bất kỳ một sự liên quan hay liên tưởng nào đến hàng hóa dịch vụ đăng ký. Ví dụ Apple cho máy tính, điện thoại di động, Duck cho sản phẩm tẩy rửa, Harlequin cho dịch vụ xuất bản sách, Cối Xay Gió cho dịch vụ quán café, ….

Việc lựa chọn Arbitrary marks hoặc Fanciful marks để đặt tên cho sản phẩm, dịch vụ sẽ có một chút khó khăn trong khi thực thi các hoạt động marketing cho các nhãn hàng, bởi khách hàng sẽ khó liên tưởng hơn, doanh nghiệp sẽ tốn nhiều công sức, chi phí hơn, đó là lý do vì sao mà các Marketers ít thích lựa chọn phương án này.

Năm cấp độ nêu trên chỉ đánh giá được khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu, tức là chỉ xét trên chính tên nhãn hiệu đó, chưa so sánh với đối tượng khác. Để được cấp bằng độc quyền nhãn hiệu còn không được tương tự đến mức gây nhầm lẫn với đối tượng có trước bao gồm nhãn hiệu đăng ký trước, nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại sử dụng trước, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Mặt khác, các cấp độ nêu trên chỉ đánh giá nhãn hiệu (theo quan điểm) truyền thống, là nhãn hiệu mà chỉ bao gồm từ ngữ (có thể thêm biểu tượng 2 chiều), nhãn hiệu hiện đại – nhãn hiệu phi truyền thống là loại nhãn hiệu được tạo thành dấu hiệu mà có thể được cảm nhận bằng những giác quan khác nhau bao gồm: âm thanh, màu sắc, các trang trí thương mại (tradedress), mùi, vị, hình ảnh động, hình ảnh 3D, touch marks,… Đó là một câu chuyện dài khác trong một bài viết khác khi mà Việt Nam đã sẵn sàng thừa nhận các dấu hiệu phi truyền thống này có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu.

Tam Tran (IP Attorney)

Giám sát sở hữu trí tuệ

Năm 2016, Tòa án tối cao Indonesia đã ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu IKEA (nhãn hiệu dành cho các sản phẩm nội thất nổi tiếng của Thụy Điển) với lý do ba năm liên tiếp không được sử dụng tại quốc gia này. Sau phán quyết chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu IKEA Thụy Điển, nhãn hiệu IKEA được cấp cho một công ty Indonesia cũng trong ngành nội thất. Theo quan điểm của cơ quan có thẩm quyền Indonesia, việc đăng ký nhãn hiệu IKEA của công ty này hoàn toàn trung thực, không có dấu hiệu lợi dụng uy tín và danh tiếng của IKEA Thụy Điển, bởi IKEA được viết tắt của các từ Intan Khatulistiwa Esa Abadi (theo ngôn ngữ Indonesia đây là từ gợi liên tưởng đến ngành nội thất).

Giám sát sở hữu trí tuệCửa hàng Ikea tại Indonesia. Ảnh AP

Hầu hết các quốc gia đều có quy định rằng, nếu đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng thì sau một thời gian nhất định thì có thể bị chấm dứt hiệu lực. Và đa phần các quốc gia quy định thời gian này là 5 năm như Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Việt Nam. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, Singapore yêu cầu người nộp đơn cam kết việc sử dụng nhãn hiệu tại lãnh thổ của họ, cam kết này được nộp kèm theo hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan tiếp nhận đơn.

Việc các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ở một một quốc gia, một lãnh thổ rồi “quên” không sử dụng là không hiếm khi mà kinh doanh toàn cầu trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. Để ngăn ngừa các hành vi đăng ký với mục đích chiếm đoạt, các công ty cũng tiến hành đăng ký nhãn hiệu của mình tại các thị trường tiềm năng mặc dù ngay tại thời điểm đăng ký họ chưa thực sự có kế hoạch kinh doanh cụ thể tại thị trường đó. Tuy nhiên, nhiều công ty quá coi trọng việc đăng ký mà quên đi hoạt động giám sát tài sản trí tuệ dẫn đến gặp rủi ro đối với tài sản trí tuệ tưởng như chắc chắn của chính mình. Do vậy, hoạt động giám sát tài sản trí tuệ cũng là hoạt động quan trọng không kém so với hoạt động đăng ký.

Giám sát sở hữu trí tuệẢnh minh họa. Nguồn: IKEA

Là một trong những hoạt động trong quản trị tài sản trí tuệ, giám sát tài sản trí tuệ được thực hiện nhằm mục đích duy trì quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Hoạt động này sẽ giảm thiểu rủi ro bị mất quyền do không duy trì, gia hạn kịp thời hiệu lực của các văn bằng bảo hộ. Đối với những thương hiệu sở hữu những nhãn hiệu rất phổ biến (như Google, CocaCola, Honda, …), giám sát quyền sở hữu trí tuệ nhằm duy trì quyền sở hữu trí tuệ còn là việc để không để công chúng biến nhãn hiệu thành từ ngữ mô tả cho sản phẩm, dịch vụ hoặc trở thành tên gọi cho sản phẩm, dịch vụ tương ứng. Trở lại với vụ việc của IKEA Thụy Điển, cánh cửa kinh doanh tại thị trường đông dân nhất Đông Nam Á của thương hiệu này với tên IKEA sẽ bị đóng lại trừ khi họ thương lượng mua lại hoặc xin được cấp quyền sử dụng từ IKEA (Indonesia).

Giám sát quyền sở hữu trí tuệ cần phải thực hiện liên tục, ít nhất mỗi năm hai lần để đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ luôn được bảo đảm được bảo hộ từ nhà nước. Nếu chưa thực hiện lần nào và Covid-19 đang làm nhiều doanh nghiệp “rảnh”, hãy tiến hành các hoạt động giám sát quyền sở hữu trí tuệ ngay để không phải ngậm ngùi lo đi làm chuồng khi con bò đã mất.

Chúc các doanh nghiệp thực hiện hoạt động giám sát quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả!

 

Giá trị pháp lý của bút tích viết tay của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Tạm thời bỏ qua các yếu tố liên quan đến tình cảm, đứng trước một vụ việc các quan hệ pháp lý cần phải được đưa ra để phân tích. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự của cá nhân, tổ chức đối với tài sản trí tuệ do mình sáng tạo/đầu tư sáng tạo nên. Nếu một chủ thể sở hữu một tài sản trí tuệ thì họ có toàn quyền quyết định số phận của tài sản đó, họ có thể bán, tặng, cho, cho phép người khác sử dụng có thu phí hoặc không, … Giả sử rằng bản bút tích viết tay của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà ca sỹ Khánh Ly công bố là thật, trước khi xem xét vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phải thừa nhận rằng đây là một giao dịch dân sự và muốn xác định giá trị pháp lý của nó phải xác định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và luật được áp dụng tại thời điểm phát sinh giao dịch.

Giá trị pháp lý của bút tích viết tay của nhạc sỹ Trịnh Công SơnNguồn ảnh: www.vietnamnet.vn

Giao dịch dân sự giữa nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly xác lập vào năm 2000, thời điểm mà Bộ luật Dân sự năm 1995 vẫn đang còn hiệu lực. Điều 131 Bộ luật Dân sự 1995 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là: 1) Người tham giao giao dịch dân sự có năng lực hành vi dân sự; 2) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không trái pháp luật và đạo đức xã hội; 3) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; 4) Hình thức giao dịch phù hợp với quy định pháp luật.

Về lý luận pháp luật dân sự nói chung, một giao dịch dân sự chỉ bị vô hiệu toàn bộ khi và chỉ khi vi phạm ít nhất một trong 4 điều kiện trên (Điều 136 Bộ luật Dân sự 1995), trong trường hợp một hoặc một vài điều khoản khác không phù hợp quy định pháp luật thì chỉ có điều khoản đó vô hiệu, các điều khoản còn khác vẫn có hiệu lực pháp luât. Xin cung cấp thêm một điều khoản theo quy đnh của Bộ luật Dân sự năm 1995 về hình thức giao dịch dân sự trong trường hợp sử dụng tác phẩm “Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (Hợp đồng là một dạng giao dịch dân sự). Như vậy, xét riêng về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự giữa nhạc sỹ Trnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly, chắc chúng ta (nếu có sự quan tâm) cũng có kết luận của riêng mình.

Giá trị pháp lý của bút tích viết tay của nhạc sỹ Trịnh Công SơnẢnh Khánh Ly viếng mộ Trịnh Công Sơn. Ảnh:CAO TRUNG HIẾU

Xin phép được lạm bàn thêm, bản dịch tiếng Anh bản bút tích viết tay của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mặc dù bản dịch này đã được công chứng không có giá trị trong việc phân tích các yếu tố pháp lý của vụ việc này.

Hậu quả pháp lý trong vấn đề giải quyết xung đột khi thựcthi pháp luật là vấn đề thường không được mong muốn, nhưng các xung đột cần thiết phải có bởi phải có sự xung đột mới có sự phát triển, phải có sự xung đột thì hệ thống pháp luật sau đó mới được hoàn thiện do quan hệ pháp luật luôn luôn đi sau các quan hệ xã hội. Sự xung đột cũng cần thiết để nâng cao ý thức cho các chủ thể để họ sử dụng các công cụ pháp lý ngăn ngừa rủi ro và những bất đồng có thể phát sinh trong tương lai chứ không chỉ là công cụ để giải quyết tranh chấp phát sinh như hiện nay.

© Tam Tran – IP Attorney

Marketing và Nhãn hiệu

Trong một rừng các sản phẩm/dịch vụ được cung cấp bởi các tổ chức và cá nhân khác nhau, bạn chọn sản phẩm và dịch vụ nào khi có nhu cầu? Điều hiển nhiên là nếu bạn đã từng trải nghiệm một sản phẩm/dịch vụ nào đó và hài lòng với chất lượng của nó thì khả năng lớn là bạn sẽ tiếp tục tìm đến nó. Còn nếu chưa từng trải nghiệm và chưa từng nghe nói đến trước đó thì sao? Trong mọi trường hợp, dù đã trải nghiệm hoặc được nghe giới thiệu hay chưa các chỉ dẫn thương mại (chủ yếu là nhãn hiệu) sẽ hỗ trợ bạn một cách tích cực để bạn lựa chọn điều mình cần một cách chính xác. Để hoàn thành chức năng của mình, một nhãn hiệu (và cả các chỉ dẫn thương mại khác) đều phải trải qua cả một quá trình, bước đầu tiên đó là được tạo lập.

Có một “trận chiến” dai dẳng “mang tính lịch sử” giữa các Marketers và các luật sư sở hữu trí tuệ (IP Attorneys) khi họ phải cùng nhau tạo lập một nhãn hiệu mới. Trung tâm của cuộc chiến này mang tên “tính mô tả”. Các IP Attorneys cũng phải tham gia công việc này bởi vì họ có nhiệm vụ kiểm tra và tư vấn các nhãn hiệu nào phù hợp, có khả năng được bảo hộ hay không. Các Marketers có xu hướng thích chọn các từ ngữ mang tính mô tả để đặt tên cho nhãn hiệu bởi những dấu hiệu này dễ dàng nhận biết, dễ dàng để họ thực hiện các công việc tiếp theo để giới thiệu sản phẩm/dịch vụ đến người tiêu dùng như các hoạt động quảng cáo, PR, marketing và các hoạt động khác phục vụ cho mục đích xây dựng thương hiệu và thu hút khách hàng. Ngược lại, các IP Attorneys luôn luôn bác bỏ các từ ngữ mang tính mô tả bởi vì … pháp luật không cho phép như vậy, xu hướng của họ là lựa chọn các từ ngữ bất kỳ không có nghĩa hoặc các từ có nghĩa nhưng không liên quan đến sản phẩm/dịch vụ mà nó đang gắn vào.

Marketing và Nhãn hiệuẢnh minh họa. Nguồn: Internet

Sở dĩ pháp luật không cho phép sử dụng dấu hiệu từ ngữ mang tính mô tả bởi vì đó là những dấu hiệu rất yếu. Nhãn hiệu có tính mô tả là nhãn hiệu diễn đạt mục đích mong muốn, chức năng, thành phần cấu tạo, chất lượng, công dụng, nơi sản xuất của sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu, … nếu pháp luật cho phép một người nào đó sử dụng từ ngữ mô tả cho các sản phẩm dịch vụ của họ thì đồng nghĩa với việc cho phép họ có quyền ngăn ngừa các đối thủ cạnh tranh cũng sử dụng từ ngữ mô tả này trong sản phẩm/dịch vụ tương ứng, và như thế là tạo ra sự không công bằng. Thử tưởng tượng một đơn vị cung cấp các sản phẩm may mặc mà được độc quyền sử dụng các từ COTTON hay SILK cho sản phẩm của mình thì sẽ ngăn ngừa các tổ chức và cá nhân khác sử dụng từ COTTON hay SILK để mô tả sản phẩm của họ tới người tiêu dùng trong các hoạt động quảng cáo, marketing, … Trên thực tế vẫn có những nhãn hiệu mang tính mô tả được bảo hộ, nếu nhãn hiệu đó được sử dụng thường xuyên, rộng rãi nhiều người biết đến trước thời điểm đăng ký, chẳng hạn như BEST cho xe gắn máy, CLEAR cho dầu gội đầu, …ở Mỹ những nhãn hiệu như vậy được gọi là nó có ý nghĩa phụ (secondary meaning). Tuy nhiên, kể cả khi nó được bảo hộ (trong trường hợp đạt được secondary meaning) thì khả năng bảo vệ nó rất khó khăn và tốn kém, những nhãn hiệu mang tính mô tả được đăng ký tốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để chứng minh khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng.

Vậy giải pháp nào cho các Marketers khi không được sử dụng các từ ngữ mang tính mô tả để làm nhãn hiệu cho sản phẩm/dịch vụ mà lại muốn truyền tải được nhiều nhất đến người tiêu dùng? Thật may là khả năng sáng tạo của các Marketers rất dồi dào, họ đã lựa chọn hoặc tạo ra các từ ngữ có tính gợi ý vừa mô tả một cách gián tiếp cho sản phẩm dịch vụ vừa ứng dụng để thực hiện các hoạt động marketing hiệu quả. Có thể kể ra nhiều ví dụ điển hình như NIVEA (cho sản phẩm mỹ phẩm) bắt nguồn từ NIVIS (tiếng La tinh có nghĩa là tuyết); PANADOL cho sản phẩm dược phẩm có thành phần hoạt chất là PARACETAMOL; JAGUAR trong tiếng Anh là báo đốm, nó gợi lên sự sung mãn, nhanh nhẹn, giàu có, đó chính là lý do hãng xe FORD đã chọn từ này để đặt cho dòng xe hơi đắt tiền của mình; TOYOTA chọn từ LEXUS với mục đích tương tự, LEXUS bắt nguồn từ LUXURY (xa xỉ)…

Nhãn hiệu không chỉ có từ ngữ, nó còn có biểu trưng (logo), taglines, slogans, các chỉ dẫn thương mại khác như hình ảnh, âm thanh, mùi vị, … nơi mà các Marketers thoả sức thể hiện sự sáng tạo của mình. Tất cả các yếu tố này cũng góp phần không nhỏ truyền tải thông điệp mà các nhà sản xuất hàng hoá/cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Chính vì vậy mà ngay cả khi sử dụng một từ ngữ không liên quan đến sản phẩm/dịch vụ hoặc từ ngữ không có nghĩa trong từ điển để làm nhãn hiệu, thì những sản phẩm/dịch vụ đó cũng vẫn gây được ấn tượng mạnh mẽ đến người tiêu dùng, ví dụ như APPLE, KODAK, NOKIA, XEROX,… Vấn đề không nằm ở cái tên vô hồn mà vấn đề là tạo linh hồn cho cái tên đó. Tất nhiên, nếu lựa chọn được một cái tên ưng ý và có ý nghĩa thì các quá trình “tạo linh hồn” sau đó sẽ bớt khó khăn hơn.

Thị trường hàng hoá/dịch vụ sẽ ngày càng phong phú, đồng nghĩa với việc hằng này có hàng ngàn hàng triệu các nhãn hiệu mới được ra đời. Dù muốn hay không các Marketers và IP Attorneys sẽ phải luôn đồng hành tay trong tay tạo ra những nhãn hiệu mới mà hạn chế được thấp nhất sự xung đột trong quan điểm về nhãn hiệu.

© Tam Tran (IP Attorney)

IP – các đối tượng cơ bản

Hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ được hình thành từ cuối thế kỷ XIX với sự ra đời của các điều ước quốc tế nền tảng là Công ước Paris về sở hữu công nghiệp (1883), Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật (năm 1886). Bằng việc ký kết các điều ước quốc tế này, các quốc gia thừa nhận với nhau những nguyên tắc chung nhất bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kể từ đó khoa học công nghệ có những sự phát triển vượt bậc, kéo theo đó là nền kinh tế có những sự thay đổi tích cực căn bản. Vậy quyền sở hữu trí tuệ là gì và cách thức xác định chúng ra sao?

Theo nghĩa rộng, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của các cá nhân tổ chức xuất phát từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Lý do mà các quốc gia thừa nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là: 1) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là bảo đảm quyền sở hữu tài sản dành cho cá nhân tổ chức – quyền cơ bản của con người bên cạnh các quyền khác; 2) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là đảm bảo sự công bằng. Khi một chủ sở hữu/tác giả đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc nghiên cứu, sáng tạo nên một tài sản trí tuệ thì pháp luật phải có cơ chế để họ được độc quyền khai thác các giá trị thương mại của tài sản trí tuệ đó bù đắp các chi phí và các cơ hội khác mà họ đã bỏ ra nghiên cứu sáng tạo và đồng thời thu lợi nhuận để có động lực sáng tạo tiếp. Lý do này cũng dẫn đến lý do thứ ba, bản thân xã hội cũng được hưởng lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo, từ giá trị kinh tế đến giá trị văn hoá và thẩm mỹ, pháp luật cần phải có cơ chế bảo hộ phù hợp để tác giả yên tâm đầu tư sáng tạo tiếp phục vụ cho bản thân họ và cho xã hội.

Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nói chung được chia làm hai nhánh chính, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Nhánh bản quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Các đối tượng này được bảo hộ dù được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, không phụ thuộc vào nội dung (hay hoặc dở), đã công bố hay chưa công bố, có đăng ký hay không. Việc phổ biến các tác phẩm văn học và nghệ thuật tới công chúng là một cách thức để tạo giá trị cho các tài trí tuệ, do vậy các cách thức truyền đạt đến công chúng cũng được pháp luật bảo hộ dưới dạng là quyền liên quan đến quyền tác giả, như các chương trình biểu diễn của nghệ sỹ, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Giống như các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan cũng được bảo hộ kể từ thời điểm chúng được định hình hoặc thực hiện mà không phân biệt vào việc đăng ký.

IP - các đối tượng cơ bảnẢnh minh họa. Nguồn ảnh: freepik.com

Đa số các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ phải được đăng ký, tức là phải có một cơ quan có thẩm quyền đăng ký bởi việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ chính các ý tưởng sáng tạo không phải bảo hộ hình thức thể hiện của chúng. Đối tượng điển hình của quyền sở hữu công nghiệp là sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, những đối tượng mang hàm lượng sáng tạo cao nhất. Trong khi sáng chế là các giải pháp kỹ thuật mới được thể hiện dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình thì kiểu dáng công nghiệp là các giải pháp thẩm mỹ xác định hình dạng bên ngoài của sản phẩm và phải gắn với một sản phẩm cụ thể. Các chỉ dẫn thương mại bao gồm nhãn hiệu hàng hoá hoặc dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh cho dù hàm lượng sáng tạo của các đối tượng này không cao nhưng vẫn được bảo hộ là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp do những dấu hiệu được chuyển tải tới người tiêu dùng, bảo đảm rằng các sản phẩm mà người tiêu dùng đã mua và sử dụng có nguồn gốc và chất lượng rõ ràng không mang hàm ý lừa dối.

Các phát minh khoa học không được bảo hộ với danh nghĩa là một sáng chế, chúng là “việc phát hiện ra hiện tượng, các đặc tính hay quy luật của thế giới vật chất cho đến nay chưa được phát hiện và có thể kiểm chứng” (Công ước WIPO). Sở dĩ không được bảo hộ là sáng chế do các phát minh là quy luật tự nhiên, nó vẫn tồn tại độc lập với việc người ta có phát kiến ra hay không. Việc ứng dụng các phát minh khoa học để tạo ra một giải pháp kỹ thuật cụ thể giải quyết vấn đề cụ thể sẽ được bảo hộ sáng chế mà các phát minh đó không nhất thiết phải mới được phát hiện. Tất nhiên, các phát minh khoa học sẽ được bảo hộ dưới dạng bản quyền tác giả nếu chúng được định hình dưới hình thức vật chất cụ thể.

Pháp luật các quốc gia khác nhau có những cơ chế khác nhau để bảo vệ các sản phẩm của quá trình đổi mới sáng tạo, ví dụ chương trình máy tính. Trong khi Mỹ bảo hộ các chương trình máy tính dưới dạng là sáng chế thì pháp luật Việt Nam (đa số các quốc gia khác cũng quy định như vậy) cho phép bảo hộ chương trình máy tính như một tác phẩm văn học cho dù thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Điều này hoàn toàn được thừa nhận theo Công ước Paris, cho dù cơ chế thực thi có thể khó khăn về mặt thực tế.

Khác với tài sản mang tính vật chất, tài sản trí tuệ có những giới hạn rất cụ thể. Về mặt không gian, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia (chủ thể mang quốc tịch hoặc tác phẩm được công bố) do quyền lực quốc gia bị giới hạn tại đường biên giới của họ. Về mặt thời gian, để đảm bảo sự công bằng thúc đẩy sự phát triển xã hội, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong một thời hạn cụ thể, hết thời hạn bù đắp chi phí và khai thác lợi ích kinh tế từ tài sản trí tuệ, tài sản trí tuệ thuộc về công chúng ai cũng có thể dễ dàng sử dụng và khai thác thương mại. Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ ví dụ như nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý chúng sẽ được bảo hộ vô thời hạn cho đến chừng nào mà chủ sở hữu còn gia hạn hiệu lực hoặc các điều kiện đảm bảo tính đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn tồn tại.

Hoạt động đổi mới sáng tạo tạo ra những sản phẩm rất cụ thể, các sản phẩm này mang lại các giá trị to lớn về mặt tinh thần và kinh tế cho các tác giả, người đầu tư nếu những chủ thể này ý thức được tài sản mà mình đang nắm giữ, đồng thời thiết lập cơ chế thương mại hoá tài sản trí tuệ bên cạnh với việc áp dụng các biện pháp bảo vệ tài sản của mình một cách phù hợp.

© Tam Tran – IP Attorney

Tác phẩm được bảo hộ theo Luật về quyền tác giả

Luật về bản quyền là một nhánh đề cập đến quyền của người sáng tạo trí tuệ. Sáng tạo được bảo hộ theo Luật bản quyền là sự sáng tạo trong việc lựa chọn và sắp xếp các từ ngữ, nốt nhạc, màu sắc và hình khối… Luật bản quyền bảo hộ cho chủ sở hữu các quyền đối với những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật và khoa học nhằm chống lại sự sao chép. Vậy những tác phẩm nào là những tác phẩm được bảo hộ theo luật về quyền tác giả?

Tác phẩm được bảo hộ theo Luật về quyền tác giảẢnh minh họa. Nguồn: freepik.com

Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học (có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 26/10/2004) liệt kê “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, sách pample và các bài viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm khác cùng chủng loại; các tác phẩm kịch, hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình điện ảnh, các tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, bản khắc, thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình nhiếp ảnh; các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, minh họa, địa đồ, đồ án, phác họa và các tác phẩm thể hiện không gian ba chiều liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học”

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa Tác phẩm là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực, nghệ thuật và khoa học được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Cụ thể là những tác phẩm sau đây:

Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình được thể hiện dưới dạng chữ viết

Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm được thể hiện bằng các ký hiệu thay cho chữ viết như chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự khác mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là loại hình tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình.

Tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Tác phẩm được bảo hộ theo Luật về quyền tác giảẢnh minh họa. Nguồn: freepik.com

Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm kịch (kịch nói, nhạc vũ kịch, ca kịch, kịch câm), xiếc, múa, múa rối và các loại hình tác phẩm sân khấu khác.

Tác phẩm điện ảnh là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ, bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác.

Tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản.

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.

Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào (hoá học, điện tử hoặc phương pháp khác). Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh hay tương tự như điện ảnh không được coi là tác phẩm nhiếp ảnh mà là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.

Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế dưới bất kỳ hình thức nào thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) đã hoặc chưa xây dựng. Tác phẩm kiến trúc bao gồm các bản vẽ thiết kế về mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của một vùng, một đô thị, hệ thống đô thị, khu chức năng đô thị, khu dân cư nông thôn. Mô hình, sa bàn về ngôi nhà, công trình xây dựng hoặc quy hoạch không gian được coi là tác phẩm kiến trúc độc lập.

Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.

Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác.

Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm: a) Truyện, thơ, câu đố; b) Điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi có thể được thể hiện dưới các loại hình nghệ thuật biểu diễn như tuồng, chèo, cải lương, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian và các hình thức thể hiện tương tự khác; d) Các loại nghệ thuật tạo hình như đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.

Việc phân loại các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học ngoài việc cung cấp cho chúng ta một khái niệm cơ bản, chung nhất về một loại hình tác phẩm, còn có tác dụng trong việc xác định quyền, phạm vi và thời hạn bảo hộ của từng tác phẩm riêng biệt. Các tác phẩm được bảo hộ theo luật về bản quyền được định nghĩa trong pháp luật Việt Nam (kể cả trong các Điều ước quốc tế) hiện nay đang theo cách thức liệt kê, do vậy sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót đặc biệt trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ và truyền thông. Cho dù vậy, quyền tác giả của bất kỳ một sáng tạo nào luôn luôn cần phải được tôn trọng và bảo vệ nhằm khuyến khích sự sáng tạo, sự đầu tư cho việc sáng tạo nhằm bổ sung, làm giàu và phổ biến văn hoá, di sản văn hoá quốc gia.

Bối rối vì … bún bò Huế?

Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu chứng nhận là các đối tượng hoàn toàn khác nhau được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sẽ có sự chồng lấn về các đối tượng này trong trường hợp tên địa danh được chính quyền địa phương cho phép đăng ký làm Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hoặc dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ tại địa phương. Vậy hiểu về các đối tượng này như thế nào cho đúng để không gây “bối rối” cho đơn vị xây dựng tài sản trí tuệ địa phương và cho cả cộng đồng?

Chỉ dẫn địa lý là một dạng đặc biệt của dấu hiệu phân biệt được dùng trong thương mại giúp người ta biết được nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.” Dấu hiệu đó có thể là tên gọi hoặc biểu tượng, nếu là biểu tượng thì biểu tượng đó phải có khả năng chỉ ra được nguồn gốc của hàng hóa mà không cần viết ra nơi xuất xứ của nó ví dụ tháp Eiffel biểu tượng của Paris, Big Ben biểu tượng của London, Opera House biểu tượng của Sydney…

Bánh bèo Huế. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)Bánh bèo Huế. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Để được bảo hộ là Chỉ dẫn địa lý sản phẩm phải có xuất xứ từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý, và đặc biệt quan trọng sản phẩm đó nhất định phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính mà chất lượng, đặc tính và danh tiếng đó chủ yếu do điều kiện địa lý của địa phương quyết định. Ở Việt Nam chưa có một chỉ dẫn địa lý nào là biểu tượng được đăng ký mà hầu hết mới chỉ ở dạng tên gọi (Ví dụ: Nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Mê Thuột, Vải thiều Thanh Hà, Vải thiều Lục Ngạn, Chả mực Hạ Long…), tên gọi này chính là tên địa phương nơi xuất xứ của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Bối rối vì … bún bò Huế?Bún bò Huế, một trong những đặc sản không thể bỏ qua khi đến đất cố đô. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cùng là dấu hiệu phân biệt được dùng trong thương mại, Nhãn hiệu chứng nhận là dạng đặc biệt của Nhãn hiệu do cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chứng nhận đăng ký sở hữu nhằm“chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ” (Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Là Nhãn hiệu, nên trước hết Nhãn hiệu chứng nhận phải là các dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó. Là Nhãn hiệu, nên Nhãn hiệu chứng nhận phải đảm khả năng phân biệt. Nhãn hiệu chứng nhận có thể là tên địa phương trong trường hợp được chính quyền địa phương cho phép đăng ký để chỉ xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong khi Chỉ dẫn địa lý có mối liên quan chặt chẽ với địa phương khi chất lượng sản phẩm có được đặc thù dựa vào điều kiện địa lý tự nhiên, địa chất, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, và do kỹ thuật sản xuất (có thể là các bí quyết) của con người tại địa phương sản xuất, thì Nhãn hiệu chứng nhận không đòi hỏi như vậy, nó có thể được sử dụng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào (có thể không cư trú tại địa phương) nếu họ đáp ứng được các tiêu chí mà quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận yêu cầu.

Một đặc điểm khác biệt nữa giữa Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu chứng nhận là các dấu hiệu được sử dụng và việc thực thi các dấu hiệu đó. Dấu hiệu được sử dụng để đăng ký Chỉ dẫn địa lý nhất thiết phải là tên gọi hoặc biểu tượng mà khi nhìn vào đó người ta có thể biết được sản phẩm có nguồn gốc từ đâu. Nếu là người không có quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý mà sử dụng các dấu hiệu dưới bất kỳ hình thức thể hiện nào trên sản phẩm đều là hành vi mang hàm ý lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, và có thể bị coi là hành vi xâm phạm, Dấu hiệu sử dụng cho Nhãn hiệu chứng nhận thì phong phú hơn, nó có thể là bất kỳ dấu hiệu nào nhìn thấy được và có khả năng phân biệt, có thể liên quan đến địa phương hoặc không. Và bởi vì là một dạng đặc biệt của Nhãn hiệu, giống như Nhãn hiệu, Nhãn hiệu chứng nhận chỉ được bảo hộ như mẫu đã đăng ký, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó sử dụng cùng tên (để chỉ nơi sản xuất) với cách thể hiện khác đi không bị coi là xâm phạm hay mang hàm ý lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, dịch vụ.

Bối rối vì … bún bò Huế?Logo nhãn hiệu tập thể do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đăng ký bảo hộ

Quay trở lại với câu chuyện của Bún bò Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị có thẩm quyền để được đăng ký sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” với cách thể hiện như mẫu Nhãn hiệu gửi kèm theo Hồ sơ.

Về mặt thực thi, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng mẫu Nhãn hiệu này đều phải được đơn vị quản lý Nhãn hiệu chứng nhận (Hiệp hội du lịch Thừa Thiên – Huế) cho phép. Nếu một đơn vị kinh doanh bún bò Huế cũng sử dụng dấu hiệu bún bò Huế (với cách thể hiện khác đi) như một chỉ dẫn thương mại mô tả sản phẩm mà mình cung cấp cho người tiêu dùng thì không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đăng ký.

Việc đăng ký xây dựng một di sản, đặc sản, tri thức truyền thống thành một tài sản trí tuệ địa phương (Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể) là cách làm không mới trên thế giới. Để xác định xây dựng Chỉ dẫn địa lý hay Nhãn hiệu chứng nhận (gọi chung là tài sản trí tuệ địa phương) dành cho sản phẩm đặc sản, chính quyền địa phương phải rất cân nhắc. Các cân nhắc dựa trên hai yếu tố:

Thứ nhất là đặc tính sản phẩm đặc sản theo các tiêu chí được quy định.

Thứ hai là khả năng thực thi trên thực tế.

Tất nhiên, để thu hút các tổ chức cá nhân kinh doanh bún bò Huế sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận đã đăng ký, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ phải đồng thời xây dựng một chiến lược thương hiệu bài bản đi kèm. Chiến lược thương hiệu này sẽ định hướng sự phát triển hình ảnh của Bún bò Huế. Các hoạt động marketing, truyền thông cũng như sử dụng hình ảnh bún bò Huế trong hoạt động kinh doanh phải đồng nhất trên một hệ thống nhận diện hình ảnh đặc trưng. Hình ảnh này đại diện cho chất lượng, phong cách phục vụ nhất quán, thực sự gia tăng giá trị cho thương hiệu. Nếu không, bất kỳ đơn vị kinh doanh nào cũng có thể xây dựng hệ thống nhận diện riêng cho mình không liên quan và không cần thiết gắn Nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế trong hoạt động kinh doanh. Và như vậy, rõ ràng là việc xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho một đặc sản của địa phương đã không hiệu quả./.

© Tam Tran (IP Attorney)

Đăng ký sở hữu trí tuệ: “quyền lực” của “người thứ ba”

Adidas coi biểu tượng ba sọc ngang cách điệu song song với nhau là một chỉ dẫn thương mại đặc biệt, họa tiết này là riêng có, nổi tiếng và là một trong những yếu tố phân biệt với các đối thủ cạnh tranh. Do vậy mà hãng này luôn nỗ lực hết mình để bảo vệ sự độc quyền của mình với biểu tượng đó. Mới đây, Adidas được coi là “người thứ ba” khi hãng này đã đệ đơn lên Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) phản đối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho Tesla (một thương hiệu sản xuất ô tô đình đám trong năm 2016).

Đầu tháng 2 năm 2017, Adidas đã nộp yêu cầu phản đối đối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu lên Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), theo đó Adidas đề nghị cơ quan này không cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho Tesla (một nhà sản xuất xe ô tô). Nhãn hiệu mà Adidas phản đối là biểu tượng ba đường kẻ sọc ngang được cách điệu. Theo lập luận của Adidas, việc đăng ký biểu tượng ba sọc ngang cho các sản phẩm quần áo và các sản phẩm thời trang, phụ kiện thời trang (cũng thuộc nhóm 25 trong phân loại quốc tế) của Tesla sẽ gây ra khả năng nhầm lẫn của người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, làm loãng tính phân biệt của nhãn hiệu. Để chứng minh biểu tượng ba sọc ngang là đặc điểm riêng có của mình Adias đã đưa ra các bằng chứng chứng minh nó đã được sử dụng từ năm 1952 trên nhiều loại sản phẩm, được sử dụng rộng rãi trên các ấn phẩm quảng cáo và các sự kiện thể thao được phát sóng.

Đăng ký sở hữu trí tuệ: “quyền lực” của “người thứ ba” (Ảnh minh họa: trích từ trong yêu cầu phản đối của Adidas)

Ngày 17/02/2017, vẫn trong cuộc chiến bảo vệ biểu tượng ba sọc ngang song song được cách điệu, Adidas trở thành “người thứ hai” trực tiếp đối đầu với Puma khi hãng này quyết định đệ đơn đến Tòa án thành phố Portland, tiểu bang Oregon cáo buộc Puma đã sử dụng biểu tượng 4 đường kẻ xéo trên một mặt giầy. Theo Adidas, Puma không chỉ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà còn có chung lịch sử với mình. Adidas và Puma được sáng lập bởi hai anh em Adi Dassler và Rudolph Dassler, cả hai Công ty đều có trụ sở chính và vẫn còn địa chỉ tại cùng một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Đức. Việc sử dụng 4 đường kẻ xéo song song với nhau trên sản phẩm giày của Puma khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm có cùng nguồn gốc và do vậy việc lưu hành sản phẩm với kiểu dáng 4 đường kẻ sọc song song của Puma là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật và có nguy cơ gây tổn hại đến thương hiệu của Adidas.

Đăng ký sở hữu trí tuệ: “quyền lực” của “người thứ ba”(Ảnh: biểu tượng hình ba sọc ngang được Adidas sử dụng rộng rãi)

Đăng ký sở hữu trí tuệ: “quyền lực” của “người thứ ba” (Ảnh: sản phẩm của Puma bị Adidas cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu đối với Nhãn hiệu của mình)

Việc một đơn đăng ký Nhãn hiệu đang được thẩm định khả năng cấp Văn bằng bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền mà bị phản đối bởi bên thứ ba hầu hết đều được pháp luật các quốc gia thừa nhận. Tại Việt Nam, Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ ràng về “quyền lực” của người thứ ba. Theo đó “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh”

Với quy định này, một số đơn vị đã sử dụng “quyền lực” của mình rất hiệu quả, chẳng hạn vụ họa sỹ Lưu Mạnh Tiến đã phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của Công ty TNHH tiếp thị quảng cáo Kim Cương (đơn vị sản xuất chương trình Hát cùng siêu chíp được phát sóng trên VTV2). Tiếp nhận phản đối từ họa sỹ Lưu Mạnh Tiến, Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối cấp Văn bằng bảo hộ cho Công ty TNHH tiếp thị quảng cáo Kim Cương đăng ký nhãn hiệu là biểu tượng hình con gà. Tất nhiên, để được chấp thuận, “người thứ ba” (người phản đối) phải đưa ra được những lập luận xác đáng chứng minh được nhãn hiệu đăng ký không có khả năng bảo hộ, có thể trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình, việc sử dụng dấu hiệu như vậy là hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc các lý do khác không đảm bảo khả năng đăng ký theo quy định của pháp luật.

Đăng ký sở hữu trí tuệ: “quyền lực” của “người thứ ba” (Ảnh: Công văn của Cục Sở hữu trí tuệ từ chối Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu cho Công ty TNHH quảng cáo tiếp thị Kim Cương)

Đăng ký sở hữu trí tuệ: “quyền lực” của “người thứ ba” (Ảnh: Thông tin trên website Thư viện điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ về việc Đơn của Công ty Kim Cương bị từ chối bảo hộ)

Sử dụng “quyền lực” của người thứ ba của Adidas cũng đã có hiệu quả nhất định khi ngày 8/2/2017 Tesla đã rút đơn đăng ký Nhãn hiệu gây tranh cãi này.

Nguyễn Đức Sơn – Tam Tran

Kết luận cuối cùng về bức ảnh “Chú khỉ tự sướng”

Naruto – “chú khỉ nhiều chuyện” mới đây đã bị Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ bác bỏ quyền tác giả đối với bức ảnh do chính mình tự chụp.

Năm 2011, Naruto khi đó 7 tuổi, sống trong khu rừng rậm tại Sulawesi, Indonesia. David John Slater – một nhiếp ảnh gia người Anh đã sống 3 ngày trong khu rừng này. Một lần, ông đặt máy ảnh trên chân đế và nối với bộ phận bấm chụp từ xa sau đó rời máy ảnh đi ra ngoài. Naruto nhân lúc đó đã ấn bừa vào nút chụp hình. Số hình mà Naturo chụp được lên đến hàng trăm và đa số đều bỏ đi thế nhưng một số tấm chụp chân dung lại đẹp bất ngờ. Một số ảnh đã được Slater đã cho xuất bản sách giới thiệu đến cộng đồng, trong đó có bức ảnh do Naruto tự chụp. Tranh chấp bắt đầu khi Wikimedia Commons cho đăng bức ảnh mà Naruto tự chụp miễn phí trên website. Slater nổi giận bởi theo lời ông, ông kiếm được 2000 EURO cho năm đầu tiên bức ảnh được chụp, và với việc đăng tải miễn phí trên Wikimedia Commons đã làm cho ông sụt giảm doanh thu đến 10000 EURO. “Nó đã giết chết việc kinh doanh của tôi” – Slater nói.

Vào năm 2015, Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) đã kiện Slater vì đã xuất bản cuốn sách trong đó bao gồm tấm ảnh do Naruto chụp, điều này đã vi phạm đến quyền của chú khỉ theo Đạo luật về quyền tác giả. Tuy nhiên, Slater phản biện rằng một con khỉ thì không thể có quyền tác giả. Trong phán quyết tạm thời tháng 1 năm 2016, thẩm phán William Orrick của Hoa Kỳ đã đồng ý với lập luận đó, nói rằng “Quốc hội và Tổng thống có thể mở rộng việc bảo vệ luật cho động vật cũng như con người nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm như vậy trong Đạo luật về quyền tác giả”. PETA đã kháng nghị quyết định này.

Kết luận cuối cùng về bức ảnh “Chú khỉ tự sướng”Bức ảnh mà Naruto đã tự chụp mình nhờ máy ảnh của nhiếp ảnh gia Slater.

Đã có rất nhiều tranh cãi đưa ra xung quanh việc tác giả của bức ảnh đó là chú khỉ Naruto hay ông Slater. Theo Luật về quyền tác giả của Hoa Kỳ, một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi tác phẩm phải được định hình (trên một phương tiện hữu hình) và có tính nguyên gốc (tác phẩm do chính tác giả sáng tạo ra mà không sao chép). Tính nguyên gốc được xác định do “tác giả” tạo ra (bằng sự sáng tạo của bản thân) mà không sao chép từ nguồn khác. Theo luật, sự sáng tạo chỉ thuộc về con người, do con người thực hiện, tác giả không thuộc về thiên nhiên, không phải do tự nhiên tạo ra. Tác phẩm do con khỉ (một thực thể tự nhiên không phải con người) bấm nút dù có tính nghệ thuật cũng không được bảo hộ quyền tác giả cho chính nó.

Như vậy, bức ảnh này không được bảo hộ quyền tác giả cho Naruto. Tuy nhiên, theo lời của ông Slater, ông đã bỏ công sức, chi phí, tìm vị trí đặt máy thuận lợi nhất và chú khỉ này chỉ việc bấm nút chụp ảnh, sẽ công bằng hơn nếu ông được công nhận là đồng tác giả của bức ảnh. Thực tế trong ngành nhiếp ảnh nói riêng cũng như các ngành nghệ thuật khác nói chung, để tạo ra một tác phẩm cần có sự kết hợp của nhiều người từ việc dàn dựng khung cảnh, đặt máy hay chụp ảnh và những người này được coi là đồng tác giả. Nếu như ông Slater chứng mình được ông để cho chú khỉ chụp ảnh và công đoạn đó chỉ là một phần trong quá trình sáng tạo của tác phẩm thì Tòa án khó có thể từ chối quyền đồng tác giả của ông.

Ngày 23/4/2018, Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ đã bác bỏ kháng nghị của PETA. Tòa án đưa ra kết luận: “Chú khỉ có cơ sở Hiến pháp nhưng lại thiêu tư cách pháp lý để khiếu nại việc vi phạm bản quyền của các bức ảnh”. Quyết định của Tòa án được đưa ra sau khi PETA và Slater đạt được một thỏa thuận vào năm ngoái. Trong đó, Slater đồng ý quyên góp 25% của doanh thu bất kỳ từ việc sử dụng và bán những bức ảnh do chú khỉ tự chụp cho tổ chức từ thiện bảo vệ cho môi trường sống của khỉ ở Indonesia. PETA và David Slater đồng ý rằng trường hợp này nêu lên những vấn đề quan trọng và tiên quyết về việc mở rộng quyền pháp lý cho những động vật (không phải là con người), một mục tiêu mà cả hai đều ủng hộ và sẽ tiếp tục công việc của mình để đạt được điều này.

Các tranh chấp giữa PETA (đại diện cho Naruto) và David John Slater theo đó cũng khép lại. Và phán quyết của Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ sẽ là tiền lệ được áp dụng cho những vụ việc tương tự phát sinh trong tương lai.

© Trần Văn Nhật

(Bài đăng trên Báo Điện tử VietnamPlus)

Nguồn ảnh: zingnews.vn

Flappy Bird: một vài quan điểm pháp lý

Gõ từ Flappy Bird vào lúc 00h10’ ngày 10/02/2014 trong 0,28s Google cho ra 446.000.000 kết quả, đủ biết Flappy Bird nóng đến mức nào. Tuy nhiên, đứng đầu trong danh sách kết quả lại là những tin tức không lấy gì làm tích cực cho lắm, hết “nghi ngờ” Nguyễn Hà Đông (tác giả của Flappy Bird) đạo ý tưởng, đạo game, rồi đến việc anh có thể bị Nintendo (chủ sở hữu của Super Mario) khởi kiện và cuối cùng là tuyên bố của anh về việc “khai tử” cho đứa con đẻ của mình.

Sơ lược các bài báo thì có ba vấn đề mà Hà Đông đang bị cáo buộc: 1) Đạo ý tưởng (Flappy Bird bị cho rằng bắt chước gần như giống hệt trò chơi tên Piou Piou vs. Catus); 2) Sao chép hình ống cống màu xanh (trong trò chơi Super Mario của Nintendo); và 3) Trong game có sử dụng một số đoạn nhạc và font chữ thuộc sở hữu của người khác.

Flappy Bird: một vài quan điểm pháp lýHình ảnh tựa game Flappy bird.Nguồn ảnh: tuoitre.vn

Trước hết, phải khẳng định game và các phần mềm được gọi chung là chương trình máy tính và được bảo hộ như một tác phẩm văn học-nghệ thuật, tức là các chương trình máy tính sẽ được bảo hộ theo luật về quyền tác giả (Luật Bản quyền) và quyền này phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức vật chất nhất định không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (điều này khác biệt cơ bản với các quyền sở hữu công nghiệp mà phần lớn các quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở cấp văn bằng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua thủ tục đăng ký).

Thứ hai, Luật Bản quyền hướng tới việc bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm không phải ý tưởng được thể hiện trong tác phẩm đó. Ý tưởng được thể hiện trong một tác phẩm không nhất thiết phải mới hoàn toàn. Một cách dễ hiểu hơn, có thể thấy trên thực tế tồn tại rất nhiều các phần mềm máy tính có cùng chức năng, công dụng do các cá nhân/đơn vị nghiên cứu độc lập với nhau và không bên nào sao chép hoặc xâm phạm quyền của bên nào.

Thứ ba, các tác phẩm được hưởng sự bảo hộ bản quyền là tất cả các sáng tạo trí tuệ có tính nguyên gốc. Cụ thể là, tác phẩm của một tác giả phải có nguồn gốc từ bản thân tác giả. Như đã được đề cập bên trên, tác phẩm không nhất thiết phải đáp ứng tính sáng tạo và tính mới, nhưng nó buộc phải bắt nguồn từ sự lao động của tác giả, không phải sao chép từ một nơi nào khác.

Quay trở lại câu chuyện Flappy Bird đang gây bão truyền thông, có ba cáo buộc mà bạn Hà Đông đang phải đối mặt:

1) Đạo ý ưởng của trò chơi Piou Piou vs. Catus

Kek, tác giả người Pháp của trò chơi Piou Piou vs. Catus cho rằng Flappy Bird là game nhái bởi nó “giống đến mức kỳ” lạ với Piou Piou vs. Catus ở cách chơi (gõ gõ vào màn hình) tạo hình chú chim màu vàng mỏ màu đỏ cùng khung cảnh xung quanh. Theo tôi, cáo buộc này thiếu cơ sở bởi: thứ nhất, ý tưởng không được bảo hộ quyền tác giả; và thứ hai, hình thức thể hiện của một chương trình máy tính là mã nguồn hoặc mã máy (mã đối tượng) chứ không phải là kết quả do việc thực hiện câu lệnh tạo ra. Kek tuyên bố sẽ không kiện Hà Đông, bởi nếu muốn kiện Hà Đông xâm phạm bản quyền, chủ sở hữu của Piou Piou vs. Catus phải chứng minh được mã nguồn và/hoặc mã máy của game Flappy Bird là được sao chép từ game Piou Piou vs. Catus chứ không phải chứng minh rằng hai games này có cùng ý tưởng và cùng có một cách chơi là gõ gõ vào màn hình (tôi không biết hiện nay có game nào chơi trên nền tảng iOS và Android mà chơi bằng cách không phải gõ gõ vào màn hình không).

2) Sao chép hình ống cống màu xanh trong game Super Mario của Nintendo

Tương tự như trường hợp trên, để khẳng định Hà Đông xâm phạm bản quyền của Nintendo thì Nintendo cũng phải chứng minh code mà Hà Đông sử dụng để lập trình nên hình ảnh ống cống xanh trong game Flappy Bird là sao chép đoạn code mà Nintendo sử dụng để lập trình nên hình ảnh ống cống xanh trong game Super Mario. Một điểm cũng cần lưu ý là trò chơi Super Mario đã được phát triển trên 20 năm và có thể (tôi không dám chắc vì không am hiểu về công nghệ, smartphone và game) chưa được phát triển để chơi trên nền tảng iOS và Android nên việc chứng minh sự khác biệt về ngôn ngữ lập trình và code giữa Flappy Bird và Super Mario có vẻ sẽ dễ dàng hơn so với giữa Flappy Bird và Piou Piou vs. Catus. Tất nhiên, nếu có sự khác biệt thì không thể đưa ra cáo buộc Hà Đông xâm phạm quyền của Nintendo được.

3) Trong game Flappy Bird có sử dụng một số đoạn nhạc và font chữ thuộc quyền của người khác

Tôi chưa từng biết đến Flappy Bird trước khi nó trở thành cơn bão truyền thông, và cho tới hiện tại tôi cũng chưa từng chơi game Flappy Bird, bởi vậy tôi hoàn toàn không biết các đoạn nhạc, font chữ và hình ảnh trong game mà Hà Đông sử dụng nên những vấn đề đưa ra ở đây chỉ là giả thiết. Nếu trong game Flappy Bird có sử dụng những đoạn nhạc, font chữ và các hình ảnh (với điều kiện là đó là một tác phẩm mỹ thuật hoặc tác phẩm khác đang được bảo hộ) thuộc quyền của người khác mà Hà Đông chưa được sự cho phép của chủ sở hữu thì Hà Đông đang xâm phạm đến quyền của họ. Ngược lại, nếu đó là những nội dung do Hà Đông sáng tạo nên (tôi nghiêng về giả thiết này nhiều hơn do kết quả mà tôi tìm kiếm được chưa có thông tin và bằng chứng chỉ ra người sở hữu đoạn nhạc, font chữ, hình ảnh mà Hà Đông sử dụng trong game Flappy Bird, trừ hình ảnh ống cống xanh như đã phân tích ở trên) thì cáo buộc này là một cáo buộc thiếu căn cứ.

Chứng minh sao chép hay không sao chép để kết luận có hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không là một vấn đề cực kỳ phức tạp gây lúng túng cho tất cả các bên liên quan kể cả cơ quan quản lý. Đặc biệt trong vụ Flappy Bird do các thông tin liên quan đến chương trình game không được tác giả chia sẻ nên phân tích các yếu tố pháp lý rất khó khăn. Tôi cũng không đưa ra kết luận mà chỉ đưa ra giả định và phân tích theo giả định để mỗi người có thể tự đưa ra kết luận, nhất là những người đã và đang chơi game Flappy Bird am hiểu hơn tôi. Tôi cũng rất mong được sự góp ý, định hướng của các chuyên gia để việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ được hiệu quả hơn.

© Tam Tran (IP Attorney)