Liệu Truyện Kiều, Nam Quốc Sơn Hà có bị…cấm phổ biến?

Việc các tác phẩm âm nhạc được sáng tác trước năm 1975 bị cấm phổ biến, lưu hành vì lý do…sai lời, làm dấy lên sự lo ngại, dù có thể phi lý, rằng liệu các tác phẩm như Truyện Kiều, Nam quốc sơn hà,…có bị cấm lưu hành vì có nhiều dị bản hay không.

Liệu Truyện Kiều, Nam Quốc Sơn Hà có bị…cấm phổ biến?Nguồn ảnh: vietnamplus.vn

Cấm tác phẩm vì … sai lời, thẩm quyền thuộc về ai?

Câu chuyện về việc 05 tác phẩm bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An) và Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương), bị Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm lưu hành đã gây xôn xao dư luận và hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Việc cấm các bài hát trên vì sai lời , vì không rõ tên tác giả có đúng các quy định pháp luật hay không? Liệu các tác phẩm khuyết danh hay các tác phẩm âm nhạc/văn học dân gian có nhiều dị bản có bị cấm hay không.

Điều 1 Quyết Định số 4148 /QĐ-BVHTTDL ngày 27/11/2013 của Bộ trường Bộ Văn hóa, Thể thao và Du quy định CNTBD “có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và lĩnh vực văn học”.

Cũng trong Quyết Định số 4148, hàng loạt nhiệm vụ và quyền hạn của CNTBD được định ra rất chi tiết trong hoạt động nghệ thuật nói chung. Cụ thể, CNTBD có thẩm quyền cấp giấy phép để “phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài sáng tác.”

Như vậy, theo quy định của Bộ VHTT&DL thì CNTBD có thẩm quyền để cấm lưu hành 05 các bài hát kể trên. Tuy nhiên, lý do các tác phẩm này bị cấm do không rõ tác giả và sai lời so với bản gốc có đúng không?

Nghị Định số 79/2012/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị Định số 15/2016/NĐ-CP của Chính Phủ thì hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu sẽ bị cấm. Tuy nhiên, ai là người cấm? CNTBD có thẩm quyền để kết luận một tác phẩm nào đó đang là đối tượng bị xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ không?

“Sai tên giác giả, sai lời” dưới góc nhìn của luật sở hữu trí tuệ

Khoản 4, Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác giả có quyền nhân thân bất khả xâm phạm bao gồm nhưng không giới hạn là: “1) Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; và 2) Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Căn cứ theo quy định trên, việc nêu sai tên tác giả hay không bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (ví dụ như làm sai lời bài hát) có thể được coi là hành vi vi phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, nên nhận thức rõ rằng bản thân tác phẩm bị nêu tên sai tác giả hay bị vi phạm sự toàn vẹn đó không phải đối tượng vi phạm pháp luật. Đối tượng cần phải xử lý, ngăn chặn ở đây là các tổ chức, cá nhân đã tiến hành các hành vi vi phạm kể trên và các bản sao tác phẩm đã vi phạm.

Liệu Truyện Kiều, Nam Quốc Sơn Hà có bị…cấm phổ biến?Nguồn ảnh:vietnamplus.vn

Cụ thể, Điều 9 và 10 của Nghị Định 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có đặt ra các chế tài để xử lý hành vi xâm phạm quyền đứng tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hành vi xâm phạm. Đồng thời các quy định này cũng thiết lập các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc sửa lại đúng tên tác giả, buộc buộc dỡ bỏ/tiêu hủy bản sao tác phẩm vi phạm.

Tuy nhiên, không có bất cứ điều khoản nào quy định việc cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý bản gốc tác phẩm. Nói cách khác, pháp luật về sở hữu trí tuệ không quy định việc tác phẩm bị vi phạm có thể bị cấm lưu hành vì có bản sao bị sai tên tác giả, hay nhiều bản sao với các dị bản khác nhau. Việc cấm lưu hành này có thể được ví von như như việc nhà nước sẽ cấm buôn bán hàng hóa chính hãng/hàng thật vì có nhiều hàng giả trôi nổi trên thị trường vậy.

Mặt khác, nếu CNTBD muốn ra kết luận rằng một bản sao là dị bản, là sai lời, thì phải đưa ra được một bản gốc để đối chiếu và so sánh. Nếu chỉ dựa vào nhiều bản sao sai lời để kết luận là có hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ và cấm lưu hành (kể cả bản gốc) liệu có nóng vội?

Cũng theo Nghị Định 131/2013/NĐ-CP, CNTBD không phải là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Vậy khi chưa có bất kỳ kết luận nào của các cơ quan thực thi quyền tác giả về các bài hát nêu trên, CNTBD đã dựa vào đâu để kết luận có hành vi vi phạm quyền tác giả đối với 05 bài hát kể trên?

Lỗ hổng pháp lý và lối đi nào cho nghệ thuật

Các quy định về biểu diễn nghệ thuật cho phép CNTBD ra quyết định cho phép hay cấm lưu hành các bài hát dựa trên căn cứ vi phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, pháp luật về sở hữu trí tuệ không nhắc đến thẩm quyền này của CNTBD cũng như việc xử lý, ngăn chặn cả…bản gốc tác phẩm trong trường hợp có hành vi vi phạm.

Rõ ràng là đang thiếu các quy định về cơ chế xử lý vi phạm cũng như sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong hoạt động quản lý văn hóa, nghệ thuật. Các thắc mắc, tâm tư xoay quanh quyết định của CNTBD thật khó có lời giải ngay lập tức. Nhưng có một điều chắc chắn rằng sẽ phải mất một thời gian dài nữa, hoặc có thể là không bao giờ, các bài hát bị cấm lưu hành nêu trên mới được biểu diễn, lưu hành trước công chúng.

Liệu có bao nhiêu tác phẩm khác đang chịu chung số phận? Còn tác phẩm nào đang trong tầm ngắm sắp bị…cấm vì là đối tượng bị xâm phạm về bản quyền? Và hãy thử tưởng tượng, với lý do tương tự liệu rằng một ngày nào đó các tác phẩm có nhiều dị bản và không thể tìm được bản gốc như Truyện Kiều, Nam Quốc Sơn Hà cũng sẽ … bị cấm.

Nguyễn Đức Sơn

THE HOBBIT và cuộc chiến bản quyền hơn 50 năm

Trò chơi trên nền tảng di động “Middle-earth: Shadow of War” dựa trên tác phẩm “The Hobbit” ra mắt vào tháng 10 tới là kết quả của quá trình kiện tụng về bản quyền kéo dài nhiều năm giữa Warner Bros và đại diện của nhà văn JRR Tolkien.

Tuy đã có nhiều tác giả khác viết về thể loại kỳ ảo, thành công vang dội của “The Hobbit” và “Lord of the Rings” đã trực tiếp làm nên sự hồi sinh của thể loại này, tạo nên danh tiếng cho nhà văn nước Anh, JRR Tolkien và những tác phẩm này đã lần lượt được chuyển thể thành những bộ phim bom tấn tỷ đô lừng danh thế giới.

Để lên được màn ảnh, “The Hobbit” đã phải đi một chặng đường dài. Liên tục có những vấn đề phức tạp phát sinh: hãng phim trục trặc về tài chính, lịch quay bị trì hoãn, kiện tụng, tranh chấp, bất đồng giữa đạo diễn và hãng phim, giữa hãng phim và công đoàn, giữa nhà sản xuất và nhà xuất bản. Sau khi ra mắt, “The Hobbit” vẫn bị vận xui bám theo khi hãng Warner Bros bị cáo buộc xâm phạm bản quyền với những sản phẩm ăn theo.

Nguồn gốc của tranh chấp này đã có từ hơn 50 năm trước, xuất phát từ bản thỏa thuận năm 1969 giữa đại diện Tolkien và Warner Bros, thỏa thuận cho phép thương mại hóa các tác phẩm “The Hobbit” và “Lord of the Ring”. Thỏa thuận đạt được cho phép Warner Bros tạo ra những sản phẩm “hữu hình” dựa trên sách, không phải các sản phẩm như máy đánh bạc trực tuyến và sản phẩm khác khai thác quyền này mà gây ra những tổn hại đến danh tiếng và uy tín tác phẩm gốc của Tolkien.

Dĩ nhiên, lúc các bên đặt bút kí vào bản thỏa thuận năm 1969, các bên sẽ không lường trước được sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như những khoản lợi nhuận khổng lồ đến từ những sản phẩm ăn theo hai tác phẩm “The Hobbit” và “Lord of the Rings”. Không một thỏa thuận nào khác được đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các bên. Kể từ khi đạt được thỏa thuận những bộ phim của Warner Bros. tung hoành khắp các phòng vé Bắc Mỹ. Chưa dừng ở đó, hàng loạt tựa game ra đời khiến cho doanh thu của hãng tiếp tục tăng lên chóng mặt. Lúc này, Tolkien Estate (đơn vị quản lý hợp pháp tài sản của nhà văn J.R.R. Tolkien, bao gồm cả bản quyền các tác phẩm của ông) thấy rằng họ cũng có phần của mình trong sự thành công của Warner Bros.

THE HOBBIT và cuộc chiến bản quyền hơn 50 nămTrò chơi “Middle-earth: Shadow of War”.(Nguồn: media.playstation.com)

Cùng với nhà xuất bản của mình là HarperCollins, những người quản lý di sản của nhà văn Tolkien phản đối việc Warner Bros. sử dụng hình ảnh dựa theo loạt sách của Tolkien trong các phương tiện kỹ thuật số. Công ty này cho rằng, Warners đã vượt quá phạm vi quyền hạn được cấp phép của mình. Cụ thể, quyền của họ chỉ bao gồm các hàng hóa “hữu hình” chứ không phải trò chơi điện từ có thể tải xuống các thiết bị di động, máy tính bảng hoặc trên Facebook. Để thêm phần thuyết phục, Tolkien tiếp tục đưa ra bản liệt kê một số loại hàng hóa, đặc biệt là các trò chơi may rủi được phát triển với yếu tố truyện “Lord of the Rings” với lời khẳng định chắc chắn rằng việc sản xuất các trò chơi may rủi đã gây phương hại đến những người hâm mộ chân chính đại văn hào JRR Tolkien, đồng thời xâm phạm những giá trị mà tác giả đã tạo ra. Điều thú vị là các fan của trò chơi Casino Rings thì lại đứng cùng phía chiến tuyến với Warner Bros.

Năm 2012, trò chơi trực tuyến “Lord of the Rings: The Fellowship of the Ring: Online Slot” lại dính phải cáo buộc xâm phạm đến danh tiếng tác phẩm của Tolkien. Những cuộc thảo luận được tiến hành để giải quyết tranh chấp không đi đến đâu. Đơn vị đại diện của Tolkien quyết định đâm đơn kiện ra tòa đòi số tiền bồi thường 80 triệu đô la Mỹ từ Warner Bros. Để phản tố, Warner Bros. dựa vào bản thỏa thuận từ năm 1969 tố cáo Tolkien Estate đã hạn chế việc quảng bá cho các phần phim trước đó, dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đô doanh thu của hãng.

Sau 5 năm trời kiện tụng tốn kém, vụ tranh chấp đã được dàn xếp trong lặng lẽ. Cuối cùng thì các fan hâm mộ – người đứng giữa trong cuộc chiến này – đã có thể thở phào khi Warner Bros và người đại diện cho tác giả JRR Tolkien đã đạt được tiếng nói chung vào cuối tháng 6. Hai bên tuyên bố sẽ giải quyết một cách thiện chí những vấn đề liên quan đến bản quyền của “The Hobbit” và “Lord of the Ring”. Hy vọng rằng trong tương lai, chiếc khiên vàng Warner Bros sẽ không phải hầu tòa vì những sự việc tương tự như thế này nữa

© Phan Ngọc Lan

Bộ phim “All Eyez on Me” bị kiện vi phạm bản quyền

Nhà văn Kevin Powell, tác giả của những bài báo về tiểu sử Rapper Tupac Shakur, đã nộp đơn kiện tại Tòa án New York vào ngày 6/6/2017, vụ kiện liên quan đến bộ phim “All Eyez on Me”, phát hành đầu tháng 6 tại Mỹ đã vi phạm bản quyền của ông.

Bộ phim "All Eyez on Me" bị kiện vi phạm bản quyềnNhà văn Kevin Powell. Nguồn ảnh: thethaovanhoa.vn

Các tác phẩm bị vi phạm bản quyền là các bài báo về tiểu sử của Tupac Shakur, đăng trên Tạp chí Vibe, nội dung về nguồn gốc và thời thơ ấu của Shakur, về mẹ của anh, và các cuộc đấu tranh của họ, các bài báo này tạo nên một nội dung xuyên suốt “không chỉ về cuộc đời một rapper mà còn về cuộc khủng hoảng sắc tộc người da đen trẻ tuổi”. Được viết từ tháng 2 năm 1994 đến tháng 2 năm 1996, các bài báo có nội dung chủ yếu dựa vào những câu chuyện thực tế mà nhà văn Kevin Powell biết được thông qua sự tiếp cận độc quyền, thân mật với Shakur và sự tin tưởng được thiết lập qua nhiều năm giữa hai người. Câu chuyện viết về nhiều khoảnh khắc dữ dội trong cuộc đời Shakur. Chính vì sự đặc biệt này, để bảo toàn danh tiếng và hình tượng nhân vật, nhà văn Kevil Powell không cho phép sử dụng trong bất kỳ tác phẩm nào khác mà không có sự chấp thuận và tham vấn của mình.

Ngoài những yếu tố chân thực từ cuộc đời của Rapper Tupac Shakur, Kevil Powell cũng đưa thêm những chi tiết khác do ông sáng tạo nên. Trong tác phẩm của ông có một nhân vật hư cấu mang tên Nigel, nhân vật này dựa trên một hình mẫu có thật là Jacques “Haitian Jack” Agnant.

Thay vì liên lạc với Kevil Powell để xin phép, tập thể những người tạo nên bộ phim “All Eyez on Me”, bao gồm các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch James G. Robinson, LT Hutton, Steven Bagatourian, Jeremy Haft và Eddie Gonzales, Morgan Creek, Lions Gate đã tự động phát triển kịch bản, sản xuất, quay phim và phát hành tác phẩm mà không có bất kỳ sự chấp thuận nào của Kevil Powell.

Bộ phim "All Eyez on Me" bị kiện vi phạm bản quyềnẢnh bìa bộ phim “All eyez on me”.Nguồn ảnh: thethaovanhoa.vn

Trong đơn kiện, nhà văn Kevil Powell cho rằng bộ phim này có một nhân vật tên là Nigel, chi tiết về mối quan hệ giữa Agnant và Shakur chắc chắn chỉ được xây dựng xuất phát từ tác phẩm gốc của ông trên Tạp chí Vibe. Do vậy mà, việc nhân vật Nigel xuất hiện trong bộ phim “All Eyez on Me” chắc chắn là sử dụng những nội dung từ tác phẩm của ông. Ngoài ra, Powell cũng cáo buộc bộ phim sử dụng các từ ngữ quá phóng khoáng tới mức thô tục gây phản cảm, làm ảnh hưởng tới danh tiếng và hình tượng nhân vật chính mà tác giả Powell luôn bảo vệ.

Dưới góc độ luật pháp, dường như mọi luận cứ và bằng chứng đưa ra đang ủng hộ nhà văn Powell. Theo quy định của Luật bản quyền Mỹ (Luật bản quyền các quốc gia nói chung kể cả Việt Nam) đều có các điều khoản nghiêm cấm và lên án hành vi khai thác tác phẩm văn học nghệ thuật với mục đích thương mại mà không xin phép tác giả, cũng hành vi làm tổn hại danh tiếng, uy tín của tác giả và tác phẩm gốc.

Theo tạp chí Deadline, nhà văn Powell đệ trình đơn kiện ra Tòa án để tìm kiếm phán quyết cuối cùng, yêu cầu hủy bỏ tất cả các bản sao tác phẩm vi phạm, đòi bồi thường toàn bộ các thiệt hại về việc phát sóng tác phẩm này, bên cạnh đó phí bồi thường còn bao gồm cả phí luật sư, và lệ phí xét xử tại Tòa án. Khoản phí dự tính mà nhà văn Kevil Powell yêu cầu bồi thường $180,000 cho mỗi lần bộ phim này được phát sóng.

Ra mắt với thành công bước đầu về mặt doanh thu lên đến 31 triệu Đô-la Mỹ tại các phòng vé trong tuần ra mắt đầu tiên, nhưng đoàn làm phim dường như đang gặp rắc rối lớn với vấn đề bản quyền. Phán quyết cuối cùng của Tòa vẫn là một vấn đề đang bỏ ngỏ và được chờ đợi vì nếu nhà văn Kevil Powell thắng kiện thì mức bồi thường sẽ là “rất đáng kể” và những kẻ “quên xin phép” kia sẽ phải nhận mức phạt thích đáng.

© Phương Thảo

Cơ sở pháp lý nào cho việc thu phí bản quyền

Trần Thị Bích Ngọc[1]

Giữa tháng 5 vừa qua, dư luận nháo nhào vì Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) “đòi” thu phí tác quyền âm nhạc ở các phòng khách sạn tại Đà Nẵng. Gần đây, VCPMC lại tiếp tục gửi công văn yêu cầu các quán café phải trả phí tác quyền. Lần này, VCPMC kiên quyết khẳng định “Không có chuyện dừng lại, người đề nghị tạm dừng là không hiểu luật pháp!”

Phía VCPMC cho rằng, việc phát nhạc trong các quán café, quán bar, nhà hàng là hành vi xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của tác giả và do đó, phải trả phí tác quyền cho tác giả. Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản Quyền tác giả đồng tình, cho rằng đề xuất của VCPMC là đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế.

Khoản 1, Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP giải thích, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là quyền “do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

Cơ sở pháp lý nào cho việc thu phí bản quyềnẢnh mang tính chất minh họa. Nguồn: tinlogi.com

Theo quy định trên, khi các quán café, quán bar, nhà hàng bật đĩa nhạc hoặc video nhạc, họ đang gián tiếp thực hiện quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của các tác giả. Chính vì việc “biểu diễn trước công chúng” này chưa được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép, các quán café, quán bar, nhà hàng phải trả phí tác quyền âm nhạc. Vì vậy, đề xuất thu phí các quán café, quán bar, nhà hàng có phát nhạc trong kinh doanh là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Một số ý kiến không đồng tình, cho rằng, đài truyền hình, đài phát thanh đã trả phí tác quyền rồi, nên các cơ sở kinh doanh nói trên không phải trả phí nữa. Điều này là không đúng. Thực ra, phí mà các đài truyền hình và đài phát thanh trả là phí phát sóng, một loại phí khác phí tác quyền. Hơn nữa, dù các đài đã trả phí tác quyền thì đó cũng là phí phải trả để chính họ được sử dụng các tác phẩm âm nhạc. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng một tác phẩm âm nhạc thì đều phải tự mình trả phí cho tác giả. Nguyên tắc này giống như khi đi mua vé xem phim, nếu cả nhóm bạn năm người đi cùng nhau thì họ phải mua năm chiếc vé xem phim chứ không phải một.

Cơ sở pháp lý nào cho việc thu phí bản quyềnPhí bản quyền (Royalty) (Nguồn: FYIMusicNews)

Cục trưởng Cục Bản Quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng đã đúng khi nói rằng hành vi của VCPMC là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đơn cử ở Mỹ, các tổ chức đại diện quyền biểu diễn lớn nhất là ASCAP, BMI và SESAC đều thường xuyên cử đại diện đến các quán café, quán bar và nhà hàng để thực thi quyền bản quyền[2]. Thậm chí, đại diện của họ còn đóng giả khách hàng gọi điện đến các quán café để hỏi xem họ sẽ mời ban nhạc hát bài gì trong ngày, từ đó yêu cầu họ trả phí bản quyền. Các tổ chức trên tính tiền bản quyền dựa trên loại nhạc được chơi (nhạc sống hay bản nhạc ghi âm), quy mô và lượng khách đến các quán café, nhà hàng. Đặc biệt, phí bản quyền cho các cơ sở tương tự với nhau về quy mô, lượng khách sẽ giống nhau; không có chuyện phí ở thành phố sẽ cao hơn ở nông thôn. Theo ASCAP[3], phí bản quyền mà các cơ sở kinh doanh nhỏ phải trả chỉ rơi vào khoảng 1-2 đô-la Mỹ/ngày. Tương tự, ở Pháp, các nhà hàng, quán café muốn phát nhạc hoặc chơi nhạc sống đều phải mua li-xăng từ SACEM – một tổ chức đại diện quyền tác giả của Pháp. Phí li-xăng được tính dựa trên số giờ mở cửa, loại giấy phép kinh doanh, số lượng nhân viên và mức thuế phải đóng.

Tuy nhiên, không phải mọi quán café, quán bar hay nhà hàng ở Mỹ đều phải trả phí bản quyền khi phát nhạc thông qua đài hoặc ti-vi. Các cơ sở kinh doanh thức ăn, đồ uống có diện tích nhỏ hơn 349 mét vuông (không tính bãi đậu xe), sử dụng dưới 6 bộ loa, và ti-vi màn hình ít hơn 55 inh, v.v. không phải trả phí bản quyền nếu họ phát nhạc miễn phí cho thực khách.

Xét cho cùng, việc thu phí tác quyền của VCPMC là hoàn toàn có cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, không thể đánh đồng tất cả các cơ sở kinh doanh và thu cùng một mức phí. VCPMC nên chăng công khai cách tính phí tác quyền, nếu có một mức phí hợp lý và minh bạch, các cơ sở kinh doanh chắc chắn sẽ vui vẻ hợp tác. Bên cạnh đó, pháp luật sở hữu trí tuệ cũng cần quy định chi tiết hơn nữa về vấn đề này, đặc biệt là các trường hợp không phải trả phí tác quyền vì không phải cơ sở kinh doanh nào mở ra cũng đều có khách và có lợi nhuận. Một quy định như vậy sẽ góp phần khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật sở hữu trí tuệ.

[1] Thạc sỹ Luật, Indiana University Robert H. McKinney School of Law (US)

[2] Thuật ngữ “quyền tác giả” trong luật Việt Nam là “bản quyền” trong luật Mỹ.

[3] https://www.ascap.com/help/ascap-licensing/why-ascap-licenses-bars-restaurants-music-venues

Đạo nhạc: liệu có “xử” được Khắc Hưng?

Trước nghi án hit Đâu chỉ riêng em của Mỹ Tâm đạo giai điệu của một ca khúc nhạc Hoa, nhạc sỹ Khắc Hưng khẳng định mình chưa nghe ca khúc Tình lay động lòng nhói đau bao giờ. Liệu lời khẳng định của nhạc sỹ Khắc Hưng có đúng, nếu không ai là người có thể kết luận “đạo” hay “không đạo”? Và ai là người có thể “xử” được trong trường hợp có vi phạm.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi phổ biến các tác phẩm nghệ thuật tới công chúng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Bởi thế, việc tương tự hay “na ná” nhau về giai điệu giữa các tác phẩm âm nhạc có nguồn gốc từ các quốc gia khác nhau thường xuyên xảy ra. Việc ứng xử giữa các bên liên quan trong trường hợp có sự tương tự giai điệu rất quan trọng để xác định có hay không hành vi vi phạm.

Về bản chất, tác phẩm âm nhạc là một loại tài sản dân sự thuộc quyền sở hữu của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm (theo thỏa thuận). Sự tương tự nhau về giai điệu giữa các ca khúc khác nhau có thể coi là hành vi sao chép một phần tác phẩm. Tuy nhiên, sự xác định có sao chép để kết luận có hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc ai là người đưa ra cáo buộc xâm phạm, và ai là người xử lý hành vi xâm phạm đó.

Đạo nhạc: liệu có “xử” được Khắc Hưng?Hình ảnh ca khúc Đâu chỉ riêng em của ca sĩ Mỹ Tâm. Nguồn ảnh: baogiaothong.vn

Là một quan hệ pháp luật dân sự, nên khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, chỉ chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền của chủ sở hữu mới quyền tiến hành các thủ tục xử lý hành vi xâm phạm. Và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể xử lý được hành vi xâm phạm quyền tác giả khi nhận được yêu cầu của người có quyền.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Bern năm 1886 về bảo hộ quyền tác giả văn học và nghệ thuật. Do vậy, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ một tác phẩm được công bố ở Trung Quốc và ngược lại mà không phải thông qua thủ tục đăng ký. Điều này có nghĩa là, ca khúc Tình lay động lòng nhói đau tự động được bảo hộ ở Việt Nam khi công bố ở Trung Quốc mà tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ca khúc này không cần phải tiến hành bất kỳ hoạt động đăng ký nào tại Việt Nam.

Trong trường hợp bị sao chép (đạo), tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ca khúc này có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam xử lý hành vi xâm phạm. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam là “Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” (Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ). Để áp dụng được các biện pháp cho phép theo quy định của pháp luật, cơ quan này phải thông qua trình tự thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền nào xử lý xâm phạm phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có quyền đưa ra yêu cầu xử lý xâm phạm.

So sánh giữa lựa chọn giữa các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì Thanh tra Văn hóa đang là cơ quan được lựa chọn nhiều hơn khi xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi sự thời gian giải quyết nhanh chóng và dứt điểm. Xét về bản chất quan hệ pháp luật (và các quốc gia trên thế giới cũng thường áp dụng như vậy) thì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên được đưa ra giải quyết tại Tòa án để chủ thể quyền được nhận lời xin lỗi công khai cũng như được bồi thường các thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm gây nên. Tuy nhiên, việc xử lý tại Tòa án ít được lựa chọn do quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án tương đối rắc rối và kéo dài so với việc giải quyết tại cơ quan hành chính.

Cho dù lựa chọn cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm nào, thì trong mọi trường hợp việc kết luận có hay không sự sao chép giai điệu giữa hai ca khúc Đâu chỉ riêng emTình lay động lòng nhói đau thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về tâm lý, chủ thể quyền ít đưa ra yêu cầu xử lý với những vụ việc nhỏ và thiệt hại không lớn, bởi họ ngại đối mặt với các thủ tục xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật.

Khắc Hưng có thể yên tâm rằng không cơ quan trong những cơ quan có thẩm quyền kể trên đưa ra kết luận anh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác khi người đó không đưa ra yêu cầu. Và nếu chủ thể quyền không đưa ra yêu cầu thì “xử” được anh hay không thì chỉ có anh mới có thể trả lời được mà thôi.

Màu hoa đỏ: cấm tác phẩm hay cấm bản ghi hình tác phẩm?

Ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sỹ Thuận Yến “bị cấm” bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang mới đây đã gây nên một phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Giải thích cho việc này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho rằng sở dĩ tác phẩm bị cấm là liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Vậy thực tế, tác phẩm nào bị cấm?

Bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (trong đó có tác phẩm âm nhạc) là một nhánh của luật về bản quyền và quyền chính được bảo hộ cho các chủ sở hữu quyền tác giả là quyền sao chép, cho phép hoặc không cho phép phổ biến tác phẩm. Bên cạnh đó luật bản quyền còn có các quy định về quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là “quyền liên quan”), là các quy định dành cho bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa. Sở dĩ pháp luật có các quy định bảo vệ các tác phẩm này là để các tác phẩm trí tuệ được phổ biến rộng rãi đến công chúng, khuyến khích, làm giàu và phổ biến di sản văn hóa quốc gia thì nhất thiết phải có những người trung gian có năng lực chuyên nghiệp đem lại cho tác phẩm hình thức trình bày thích hợp để có thể được đông đảo quần chúng tiếp cận. Những người như vậy là các diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công, những người biểu diễn khác và những tổ chức đầu tư hoặc sở hữu những loại hình được bảo hộ quyền liên quan. Về lý luận, tác phẩm và bản ghi hình tác phẩm là hai đối tượng hoàn toàn độc lập nhau. Điểm khác biệt lớn nhất của hai loại hình này là, trong khi quyền tác giả đối với tác phẩm tự động phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được hình thành dưới hình thức vật chất nhất định thì quyền liên quan đối với bản ghi hình còn phải đảm bảo thêm điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả. Một tác phẩm âm nhạc là duy nhất, các bản ghi âm, bản ghi hình, các “phiên bản” khác nhau do các nghệ sỹ khác nhau biểu diễn lại có rất nhiều, và mỗi một bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn là một đối tượng riêng biệt và đều được bảo hộ quyền liên quan cho tập thể những người tạo nên tác phẩm.

Màu hoa đỏ: cấm tác phẩm hay cấm bản ghi hình tác phẩm?Nguồn ảnh: vietnamplus.vn

Về bản chất, quan hệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng là quan hệ dân sự. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ nếu có yêu cầu từ chủ sở hữu hoặc người có quyền đối với tác phẩm hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Việc sử dụng từ ngữ không rõ ràng nhằm phân biệt giữa tác phẩm âm nhạc (ca khúc Màu hoa đỏ) và bản ghi hình tác phẩm âm nhạc Màu hoa đỏ là nguyên nhân gây nên tranh cãi giữa các bên. Xét về góc độ bản quyền, tác phẩm Màu hoa đỏ đáp ứng đầy đủ các điều kiện được bảo hộ theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ. Những người thừa kế hợp pháp của cố nhạc sỹ Thuận Yến hoặc đại diện của họ có toàn quyền cho phép hay không cho phép người nào đó biểu diễn hoặc khai thác tác phẩm âm nhạc này. Điều đó có nghĩa là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép dừng lưu hành một bản ghi âm, ghi hình ca khúc (được bảo hộ bản quyền) nếu có yêu cầu từ phía chủ sở hữu tác phẩm.

Xét về góc độ quyền liên quan, bản ghi hình tác phẩm âm nhạc Màu hoa đỏ sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả. Tức là họ được sự cho phép chủ sở hữu quyền tác giả trong việc biểu diễn, ghi âm, ghi hình tác phẩm. Trong trường hợp họ không chứng minh được mình là người được quyền ghi hình tác phẩm thì họ đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả và bản ghi hình tác phẩm có thể bị dừng lưu hành theo quy định của pháp luật.

Tại Công văn số 288/SVHTTDL-TTr ban hành ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cũng đề cập đến việc ca khúc Màu hoa đỏ “một ca khúc cách mạng nổi tiếng nhưng đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, Công văn này lại không giải thích rõ việc dừng lưu hành là áp dụng đối với bản ghi hình vì đã xâm phạm quyền tác giả tác phẩm Màu hoa đỏ, không phải dừng lưu hành tác phẩm Màu hoa đỏ dẫn đến gây hiểu lầm và tranh cãi giữa các bên.

Việc áp dụng pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn gây nhiều bối rối bởi tính phức tạp của quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển. Bởi vậy, đòi hỏi tính minh bạch về mặt ngôn ngữ trong một văn bản áp dụng pháp luật là đòi hỏi chính đáng từ phía công chúng dành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là quy định đó dành cho một ca khúc có tính lịch sử như Màu hoa đỏ.

© TamTran (IP Attorney)

Livestream “Cô Ba Sài Gòn”: Có nên hình sự hóa?

“Cô Ba Sài Gòn” là phim thứ hai của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị livestream trên mạng xã hội, trước đó là “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”. Và các bộ phim của Ngô Thanh Vân không phải là trường hợp đầu tiên bị hiện tượng này.

Khi sự việc xảy ra, Ngô Thanh Vân rất “khó nghĩ” và vì “khó nghĩ” nên cô đã nhờ cộng đồng mạng và “những anh chị trong nghề” quyết định giúp cô một biện pháp xử lý phù hợp đối với người xâm phạm, xử lý theo pháp luật hay xử lý theo hướng cảnh cáo có tính răn đe theo cách thức mà cô đã làm với người có hành vi tương tự với bộ phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể” cũng do cô sản xuất phát hành đầu năm 2017.

Sau hơn một ngày trưng cầu ý kiến, có đến hơn 32 nghìn lượt tương tác trả lời, trong đó 85% ý kiến cho rằng nên xử lý theo pháp luật, và 15% lượt người tương tác có cùng ý kiến chỉ nên xử lý theo hướng cảnh đáo có tính răn đe. Ngô Thanh Vân quyết định thuận theo đám đông, dù nhận được lời xin lỗi từ phía người có hành vi xâm phạm nhưng cô vẫn quyết định “nghiêm khắc với tất cả các hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh đã và đang manh nha diễn ra” và “không nhân nhượng”.

Livestream “Cô Ba Sài Gòn”: Có nên hình sự hóa?Vừa ra mắt chưa lâu, phim “Cô Ba Sài Gòn” đã bị quay lén

Pháp luật Việt Nam quy định có nhiều cách thức khác nhau để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm bên thực hiện hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự hay dân sự (Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ), và các biện pháp này sẽ được áp dụng bởi Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ).

Việc áp dụng biện pháp nào để xử lý khi có hành vi xâm phạm xảy ra phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn của người có quyền đối với tài sản trí tuệ khi tiến hành biện pháp xử lý hành vi xâm phạm, bởi mỗi biện pháp sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau.

Nếu yêu cầu các cơ quan hành chính xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho bộ phim “Cô Ba Sài Gòn”, các cơ quan hành chính có thể áp dụng các biện pháp xử lý cảnh cáo hoặc phạt tiền kèm theo đó là các biện pháp xử phạt bổ sung như yêu cầu gỡ bỏ bản sao tác phẩm phân phối trên môi trường internet, kỹ thuật số. Nếu áp dụng biện pháp hình sự trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội của người đã thực hiện hành vi xâm phạm thì Tòa án có thể áp dụng mức hình phạt, ngoài ra cũng theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người xâm phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị xâm phạm với số tiền tương đương với thiệt hại mà người bị xâm phạm phải gánh chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây nên.

Liệu có nên áp dụng biện pháp hình sự?

Biện pháp hình sự luôn là biện pháp mang tính răn đe cao nhất so với các biện pháp khác bởi nó có tác động trực tiếp đến người phạm tội, không chỉ trừng trị mà còn nhằm giáo dục, ngăn ngừa họ phạm tội mới, người bị kết án sẽ bị tước bỏ, hạn chế nhất định về quyền và lợi ích của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản, bản chất của quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản – quan hệ dân sự. Mọi tranh chấp phát sinh, bao gồm cả việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tranh chấp giữa các tổ chức cá nhân với nhau, bởi vậy theo quy định của pháp luật cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường sẽ không chủ động xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu không được người có quyền yêu cầu.

Mặc dù pháp luật cho phép sử dụng biện pháp hình sự trong trường hợp hành vi xâm phạm có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng có nên kết án, phạt tù, tước các quyền công dân – những hình phạt quá nặng lên một sự vi phạm có bản chất là quan hệ tài sản?

Theo xu thế thế giới, các hành vi sẽ được đưa về xử lý theo đúng bản chất của mối quan hệ, các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự nên chăng hướng tới sẽ được giải bằng các biện pháp dân sự, bên xâm phạm sẽ chấm dứt hành vi xâm phạm xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho nhau trong trường hợp có thiệt hại phát sinh. Việc bồi thường sẽ bù đắp được các thiệt hại phát sinh do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây nên. Biện pháp hình sự chỉ nên được áp dụng nếu hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, như là an ninh quốc phòng hoặc gây thiệt hại trên diện rộng về sức khỏe, an toàn của công dân và cộng đồng.

Tam Tran (IP Attorney)

“Biển chết” – sao chép hay phái sinh?

Điều kiện cơ bản để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi nó đảm bảo đầy đủ hai điều kiện tính nguyên gốc và tính định hình. Đảm bảo được hai điều kiện này, quyền tác giả được tự động phát sinh mà không phụ thuộc vào nội dung, mục đích sử dụng, đăng ký hay công bố, kể cả trong trường hợp tác phẩm phái sinh. Giới hạn nào cho tính nguyên gốc và định hình của một tác phẩm phái sinh?

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định quyền làm phái sinh một tác phẩm dựa trên một tác phẩm gốc, các tác phẩm phái sinh bao gồm tác phẩm dịch, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Mặc dù vậy, pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa chính thức nào cho từng loại hình. Liệu tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Nhân có phải là một loại tác phẩm được phóng tác (là một hành vi làm tác phẩm phái sinh) hay không?

“Biển chết” – sao chép hay phái sinh?Ảnh đăng báo (trên) và tranh của họa sĩ Nguyễn Nhân (dưới)

Thuật ngữ “phóng tác” trong luật Việt Nam tương đương với thuật ngữ “adaptation” trong tiếng Anh (khái niệm được sử dụng trong Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật), có nghĩa là sự phỏng theo, việc sửa lại cho phù hợp, sự biến đổi làm cho thích hợp. Xét về tính liên quan, mặc dù phụ thuộc vào tác phẩm gốc, nhưng một tác phẩm phái sinh tồn tại độc lập với tác phẩm gốc, tác giả của tác phẩm phái sinh được hưởng đầy đủ các quyền tác giả như một tác phẩm độc lập. Và để được hưởng các quyền này, tác phẩm phái sinh phải đảm bảo được các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, về tính định hình, bảo hộ bản quyền không bảo hộ ý tưởng và nội dung mà bảo hộ về mặt hình thức thể hiện, do vậy tác phẩm phái sinh có thể khác biệt hoàn toàn hoặc từng phần về mặt hình thức thể hiện so với tác phẩm gốc. Tác phẩm “Biển chết” của tác giả Nguyễn Nhân, là tác phẩm mỹ thuật tạo hình “được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục” (Điều 15 Nghị định 100/2006/NĐ-CP), trong khi tác phẩm mà ông cho rằng ông dựa vào đó “mượn cấu tứ từ ảnh để vẽ lên nét vẽ của riêng mình” là một tác phẩm nhiếp ảnh, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm “thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào”. Như vậy, về tính định hình, hai tác phẩm này là khác nhau, tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Nhân độc lập với các tác phẩm khác và có thể được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khác về bảo hộ bản quyền.

Thứ hai, về tính nguyên gốc, các tác phẩm được hưởng sự bảo hộ bản quyền là tất cả các sáng tạo trí tuệ có tính nguyên gốc. Tính nguyên gốc của một tác phẩm thể hiện ở việc tác phẩm đó phải có nguồn gốc từ bản thân tác giả, tác phẩm không nhất thiết phải đáp ứng tính mới, nhưng nó buộc phải là sự sáng tạo bắt nguồn từ sự lao động của tác giả, không phải sao chép từ một nơi nào khác. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, ranh giới giữa sáng tạo tác phẩm phái sinh và xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc là khó nhận biết. Để khách quan, buộc phải có sự so sánh một cách trực tiếp giữa hai tác phẩm này. So sánh hai tác phẩm đang gây tranh cãi, có thể thấy mặc dù họa sỹ Nguyễn Nhân đã sử dụng bằng nét vẽ của mình để tạo nên bức tranh nhưng hình ảnh trên bức tranh “Biển Chết” là sự sao chép (về mặt bố cục chính) bức ảnh đã được công bố trước đó. Do vậy mà, dấu ấn sáng tạo của tác giả trong tác phẩm “Biển Chết” gần như không có.

Thứ ba, quyền làm tác phẩm phái sinh, theo quy định của pháp luật quyền làm tác phẩm phái sinh là độc quyền của tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả (trừ trường hợp tác phẩm hết thời hạn bảo hộ bản quyền và thuộc về công chúng). Do vậy, không có ý kiến của tác giả tác phẩm gốc về việc cho phép làm tác phẩm phái sinh hay không thì hành vi làm tác phẩm phái sinh là hành vi không được phép.

Ranh giới giữa làm phái sinh tác phẩm hợp pháp tác phẩm và xâm phạm bản quyền rất mong manh. Và nhiều trường hợp rất khó xác định nếu chưa có ý kiến chính thức của tác giả và/hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc. Trong trường hợp như vậy, tính nguyên gốc của tác phẩm cần được đưa ra để phân tích, xác định rằng có hay không sự sáng tạo của tác giả trên tác phẩm phái sinh, tác giả có thể hiện được cá tính sáng tạo của mình trên tác phẩm phái sinh hay không. Nếu không có, tác phẩm đó đơn giản chỉ là sự sao chép bố cục từ một tác phẩm khác mà thôi.

(Tam Tran – IP Attorney)

Sống xa anh chẳng dễ dàng: lẽ nào cứ mãi “sơ sót”?

MV hơn 42 triệu views “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh “suýt” bị gỡ khỏi Youtube vì lý do bản quyền, trước đó là Noo Phước Thịnh với MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”, nhưng thiếu may mắn hơn Bảo Anh, MV của Noo Phước Thịnh bị gỡ khỏi Youtube khi MV đạt được hơn 30 triệu views.

Tháng 12 quả là không may mắn cho Bảo Anh khi MV hơn 42 triệu views “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của cô có nguy cơ bị gỡ khỏi Youtube vì MV có sử dụng đoạn nhạc nền được lấy từ hai bản hoà âm có tên “Icarus” và “Glimmer Of Hope” của nhà soạn nhạc Ivan Torrent, tất nhiên việc sử dụng này là chưa được phép.

Rất nhanh chóng ê kíp của Bảo Anh đã đã gửi lời xin lỗi chân thành tới tác giả đồng thời trả phí sử dụng bản quyền gần 100 triệu đồng cho bên quản lý Ivan Torrent để MV vẫn được “an toàn” trên Youtube. Phía nữ ca sĩ cũng thừa nhận, do “sơ sót”, “không hiểu rõ về luật” từ Youtube nên phía ê kíp sản xuất đã sử dụng 2 đoạn nhạc ngắn mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền, mặc dù trước đó đã trích dẫn link 2 ca khúc nước ngoài khi sử dụng trong MV.

Sống xa anh chẳng dễ dàng: lẽ nào cứ mãi “sơ sót”?Bài hát ‘Sống xa anh chẳng dễ dàng’ của Bảo Anh. Nguồn: baomoi.com

Kế thừa, sử dụng các tác phẩm của người khác tạo nên tác phẩm của mình là việc thường xuyên được thực hiện trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, trong hoạt động kinh tế kinh doanh nói chung. Việc kế thừa này sẽ giúp tạo ra được các tác phẩm chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đó cũng là lý do mà các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học nói chung chỉ được bảo hộ trong thời hạn nhất định, hết thời hạn bảo hộ tác phẩm thuộc về công chúng, ai cũng được tự do sử dụng. Và tất nhiên để được sử dụng hợp pháp luật pháp phải có quy định cụ thể. Trong trường hợp tác phẩm còn thời gian bảo hộ nếu không thuộc trường hợp được sử dụng tự do, người sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác để tạo nên tác phẩm của mình phải có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm mà mình đã sử dụng.

“Sơ sót” và “không hiểu rõ luật” là cụm từ thường được các nghệ sỹ sử dụng để biện minh cho việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, hẳn các nghệ sỹ đều mong muốn được người khác đặc biệt là công chúng tôn trọng và ghi nhận giá trị các tác phẩm của mình. Để đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tiên từ các nghệ sỹ là tôn trọng sự sáng tạo của người khác, thể hiện bằng việc nếu có sự sao chép hay sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác để tạo ra tác phẩm của mình, là phải được phép, bên sở hữu bản quyền tác phẩm được sao chép phải được hưởng phí bản quyền đối với phần tác phẩm của họ. Sự xin phép và trả phí bản quyền cho phần mà mình sử dụng tạo nên một tác phẩm mới (để kinh doanh) thể hiện sự hiểu biết, văn minh trong hoạt động nghệ thuật. Cứ “không hiểu” và “sơ sót” mãi, các tác phẩm nghệ thuật sẽ đi về đâu nếu không có con đường mà khán giả và công chúng nói chung có thể tiếp nhận một cách dễ dàng nhất?

Tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ là điều kiện đầu tiên và cốt lõi để có một sản phẩm sáng tạo hợp pháp. Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sử dụng nền tảng của bên thứ ba (Youtube) để chuyển tải tác phẩm đến công chúng, các nghệ sỹ không chỉ phải tuân thủ luật của bên cung cấp nền tảng mà còn phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ. Bởi xét cho cùng liên quan đến lý do bản quyền, chỉ có vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, bên cung cấp nền tảng mới không cho phép sản phẩm có dấu hiệu vi phạm được phân phối trên nền tảng công nghệ của mình.

Việc Youtube “thẳng tay” xóa các video do người dùng đăng tải trên nền tảng của mình, thậm chí xóa kênh của người sử dụng do vi phạm các điều khoản sử dụng, trong đó có vấn đề về bản quyền là chuyện … rất cũ. Mặc dù không phải là “quyết định” từ cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ nhưng việc bị gỡ video do vi phạm bản quyền là một “án phạt” nặng nhất cho bất kỳ người sử dụng nào, bởi “án phạt” này trực tiếp gây ảnh hưởng đến kinh tế của những người đang kinh doanh nhờ vào nền tảng của bên thứ ba.

Tám Trần (IP Attorney)

Sự sáng tạo và chuyện con khỉ

Năm 2011, David John Slater – một nhiếp ảnh gia người Anh, sống ba ngày trong khu rừng rậm Sulawesi (Indonesia) để chụp ảnh về cuộc sống hoang dã nơi đây. Một lần, Slater đặt máy ảnh trên chân đế, cài đặt góc chụp, căn chỉnh chế độ máy ảnh và đi ra ngoài. Naruto, một chú khỉ trong bầy khỉ ở khu rừng Sulawesi đã nghịch ngợm ấn bừa vào máy chụp hình của Slater. Trong số hàng ngàn bức ảnh mà Naruto “ấn bừa” đó, có một bức ảnh chụp chính chân dung Naruto lại đẹp bất ngờ. Sau đó, Slater đã xuất bản sách giới thiệu đến cộng đồng bức ảnh do Naruto “tự sướng” bằng máy ảnh của mình.

Tranh chấp bắt đầu khi Wikipedia Commons cho đăng bức ảnh Naruto tự chụp miễn phí trên website. Slater nổi giận và yêu cầu gỡ xuống bởi việc đăng tải như vậy là xâm phạm nghiêm trọng quyền của ông đối với bức ảnh.

Sự sáng tạo và chuyện con khỉNguồn: lightartacademy.com

Đã có rất nhiều tranh cãi đưa ra xung quanh việc tác giả của bức ảnh đó là chú khỉ hay ông Slater. Và Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) cũng khởi kiện Slater tại Tòa án Hoa Kỳ đòi quyền tác giả đối với bức ảnh cho Naturo. Họ đưa ra lập luận bức ảnh do Naturo chụp, theo pháp luật Hoa Kỳ quyền tác giả là của chú khỉ này.

Về lý luận, một trong những điều kiện bắt buộc phải có để tác phẩm được bảo hộ là tính nguyên gốc. Tính nguyên gốc được xác định do bản thân tác giả tạo ra bằng sự lao động sáng tạo của bản thân mà không sao chép từ nguồn khác. Sự sáng tạo không thuộc về tự nhiên, mà thuộc về con người, do con người lao động bằng tư duy tạo nên. Tự nhiên thì không thể có tư duy. Tòa án Hoa Kỳ đưa ra kết luận tác phẩm do con khỉ (một thực thể tự nhiên không phải con người) bấm nút dù có tính nghệ thuật cũng không được bảo hộ quyền tác giả cho chính nó. Do vậy, Naturo không đủ tư cách để được công nhận là tác giả bức ảnh. Phán quyết cuối cùng được Tòa án đưa ra vào tháng 5 năm 2018.

Vậy mà, ở Việt Nam có những đơn vị kinh doanh về bản quyền chỉ cần quan tâm tâm tác phẩm mà không cần quan tâm đến sự sáng tạo của tác giả. Ngày 9/1/2010, giải Zing Music Awards đã tôn vinh ca khúc “Gánh mẹ” (nhạc phim “Lật mặt: Nhà có khách”) trong hạng mục Nhạc phim được yêu thích nhất. Theo công bố của Ban tổ chức, ca khúc “Gánh mẹ” do nghệ sỹ Quách Beem sáng tác và thể hiện.

Cách đây vài tháng, Trương Minh Nhật – một nhà thơ tự do, tố cáo Quách Beem “ăn cắp” bài thơ “Gánh mẹ” của mình để phổ nhạc cho ra đời ca khúc “Gánh mẹ”. Để chứng minh, Trương Minh đã đưa ra chứng cứ “Gánh mẹ” (của ông) được công bố sớm hơn thời điểm Quách Beem được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm “Gánh mẹ” sử dụng trong phim “Lật mặt: Nhà có khách”.

Sự sáng tạo và chuyện con khỉNguồn ảnh: tinnhac.com

Ông Trương Minh Nhật cũng tiến hành khởi kiện Đoàn Đông Đức (tên thật của Quách Beem) tại Toà án có thẩm quyền yêu cầu công nhận quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trả lời cho những ồn ào liên quan đến giải thưởng này, ngay trước thềm buổi lễ trao giải, đại diện Ban tổ chức trả lời báo chí rằng: “khi tri ân một ca khúc nào đó, chúng tôi tri ân giá trị của ca khúc chứ không tri ân người hát hay người sáng tác. Giải thưởng trao cho tác phẩm chứ không phải trao cho con người” (nguồn: Báo Giao Thông).

Câu trả lời này có vẻ hợp lý nếu không xét đến mối quan hệ mật thiết giữa sự sáng tạo và tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng một tác phẩm nghệ thuật ra đời, không phải tự nhiên mà là do sự sáng tạo của tác giả. Thậm chí do tự nhiên “lao động” tạo ra (như trường hợp của chú khỉ Naruto) thì quyền tác giả cũng không được công nhận cho thực thể tự nhiên đó mặc dù rõ ràng tác phẩm có giá trị nghệ thuật.

Tất nhiên, về mặt pháp lý có thể Ban tổ chức ZMA chẳng gặp vấn đề gì cả vì họ trao giải khi mà Quách Beem đang có Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền ca khúc “Gánh mẹ” cấp cho chính mình. Nhưng việc tôn vinh tác phẩm trong khi chưa rõ tác giả của tác phẩm thì liệu rằng Ban tổ chức ZMA có đang đi ngược với tôn chỉ mục tiêu của giải được đăng tải chính thức trên website của họ, đi ngược với mục tiêu của luật sở hữu trí tuệ nói chung là thúc đẩy sự phát triển của khoa học và nghệ thuật? Nếu việc này không được giải quyết triệt để, có thể tạo ra những tiền lệ xấu, khi mà các giá trị của sự sáng tạo không được đề cao, luật về quyền tác giả không thực sự được tôn trọng – điều mà cả xã hội Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.