Áp dụng điều khoản miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng vì Covid – 19

Thông thường khi ký kết hợp đồng, các bên thường đưa ra điều khoản bất khả kháng. Theo đó, giả sử gặp những tình huống khách quan không mong muốn và ngoài tầm kiểm soát của các bên thì sẽ xử lý như thế nào. Covid – 19, dịch bệnh xuất hiện trong đầu năm 2020 là một loại sự kiện bất khả kháng, vậy các bên trong hợp đồng áp dụng như thế nào để đúng luật, để được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng trong trường hợp này

Phân biệt trách nhiệm và nghĩa vụ

Về mặt pháp luật, đây là hai khái niệm khác nhau. Nghĩa vụ là từ dùng để chỉ một người phải làm một công việc, thực hiện một hành vi hoặc không được làm một công việc, một hành vi, vì lợi ích của người khác, hiểu đơn giản hơn thì nghĩa vụ là thực hiện bổn phận của mình

Trách nhiệm (theo nghĩa hẹp) là việc một người phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi khi họ vi phạm pháp luật hoặc khi có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định.

Phải phân biệt khái niệm này bởi khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, các bên trong hợp đồng được miễn trách nhiệm do không thực hiện được nghĩa vụ vì gặp sự kiện bất khả kháng, chứ không phải được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

Áp dụng điều khoản miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng vì Covid – 19Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Freepik.com

Vậy sự kiện bất khả kháng là gì?

Bộ luật Dân sự không có điều khoản riêng biệt về sự kiện bất khả kháng. Tại Điều 156 có một phần quy định về sự kiện bất khả kháng và quy định này cũng được áp dụng cho các trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng do gặp phải sự kiện bất khả kháng

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.”

Áp dụng điều khoản miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng vì Covid – 19Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Freepik.com

Những sự kiện bất khả kháng thường được liệt kê bao gồm (nhưng không giới hạn): chiến tranh, đình công (không phải do lỗi của các bên), bạo loạn, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, cháy nổ, động đất, sấm sét, sự thay đổi của pháp luật, …

Tiêu chí xác định sự kiện bất khả kháng:

  • Sự kiện khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên bị ảnh hưởng;
  • Không do lỗi hoặc sự bất cẩn của bên bị ảnh hưởng (ví dụ một công ty bị chập điện, bị cháy nhà kho, có thể đây không phải là sự kiện bất khả kháng, nếu bên kia xác định được lỗi của bên bị ảnh hưởng);
  • Không thể tránh được cho dù Bên bị ảnh hưởng đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục.

Văn bản quan trọng nhất – một văn bản của cơ quan có thẩm quyền, có thể là bất kỳ văn bản nào miễn là do người có thẩm quyền ban hành, có thể là văn bản quy phạm pháp luật Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế …, có thể là một văn bản cụ thể về tình huống cụ thể, một xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về một sự kiện khách quan đã xảy ra.

Tình huống cụ thể covid-19 thì văn bản quan trọng xác định sự kiện bất khả kháng là Quyết định 173/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra và Tuyên bố ngày 11/03/2020 của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đại dịch toàn cầu.

Thủ tục thực hiện khi sự kiện bất khả kháng xảy ra để được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng

Khi xảy ra sự kiện pháp lý, việc thực hiện đúng thủ tục quan trọng không kém với việc áp dụng đúng nội dung. Và việc xem xét thủ tục sẽ thực hiện trước khi xem xét đến nội dung. Nếu thủ tục này được quy định trong hợp đồng, thì áp dụng thủ tục được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng không quy định về sự kiện bất khả kháng, thì thủ tục áp dụng là thủ tục thực hiện các tiêu chí xác định sự kiện bất khả kháng, thủ tục này là:

  • Thông báo cho bên kia về sự kiện bất khả kháng xảy ra, chứng minh sự kiện bất khả kháng không do lỗi của bên bị ảnh hưởng;
  • Chứng minh mình đã áp dụng đủ các biện pháp mà vẫn không kiểm soát được tình hình, buộc phải vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Chứng minh và thu thập các thiệt hại và do đó buộc phải vi phạm nghĩa vụ
  • Đề xuất các phương án khắc phục hậu quả, hoãn nợ, hoãn thực hiện nghĩa vụ, (đưa ra thời hạn cụ thể), kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Nếu bên kia không đồng ý thì viện dẫn quy định của pháp luật (Điều 296 Luật Thương mại quy định thời hạn có thể kéo dài lên đến 8 tháng);
  • Cuối cùng, chờ phản hồi của bên kia để cùng nhau vượt qua tình trạng khó khăn

Không ai mong muốn xảy ra những khó khăn trong kinh doanh, nhất là những khó khăn xuất phát từ những lý do, sự kiện không nằm trong sự kiểm soát của mình. Tuy nhiên, để đúng luật và nhận được sự thông cảm của đối tác, cần phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục.

Team Đỏ đại chiến Team Xanh, xử lý thế nào theo góc độ pháp lý?

Thỉnh thoảng, giới marcom lại được “xơi món ngon” và hấp dẫn như “cuộc đại chiến Ovaltine và Milo͟”. Nó hấp dẫn bởi ý tưởng khá độc đáo trong chiến dịch truyền thông của Ovaltine, và lúc này giới hạn đạo đức kinh doanh và các tiêu chuẩn pháp lý điều chỉnh được đưa ra bàn tán nhiều hơn bao giờ hết.
Trong chiến dịch mới, ngoài pano quảng cáo ngoài trời với thông điệp truyền thông đối nghịch với thông điệp của Milo được bố trí một cách “cố ý”, Ovaltine còn sử dụng các ấn phẩm truyền thông online. Họ gọi mình là team Đỏ, thông điệp đối nghịch, Ovaltine sử dụng màu xanh (đúng gam màu mà Milo đang sử dụng trên bao bì sản phẩm và trong các hoạt động quảng cáo). Nhìn vào nội dung truyền thông của Ovaltine, người ít quan tâm đến marcom cũng dễ dàng liên tưởng “team Xanh” mà Ovaltine đề cập đến trong các ấn phẩm truyền thông là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ tại thị trường Việt Nam – Milo.

Team Đỏ đại chiến Team Xanh, xử lý thế nào theo góc độ pháp lý?Cuộc chiến truyền thông giữa Pepsi và Coca Cola luôn làm tốn giấy mực của giới marcom (Ảnh: Internet)

Để đáp trả, Milo đã tố cáo hành vi của Ovaltine tới Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương). Trong đơn tố cáo, Milo đã chỉ ra ba hành vi vi phạm pháp luật của của Ovaltine là vi phạm quyền tác giả của Milo, gièm pha trực tiếp Milo và thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

Áp dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để xử lý được không?

Trong đơn tố cáo gửi tới cơ quan có thẩm quyền, Milo cho rằng Ovaltine xâm phạm quyền tác giả của mình khi “không chỉ sao chép trái phép ý tưởng của Milo mà còn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, bằng việc đánh đồng các thông điệp của chiến dịch Milo với “bệnh thành tích”, có rất nhiều yếu tố trong Chiến dịch Ovaltine lấy ý tưởng từ các sản phẩm thương mại của Chiến dịch Milo. Các sao chép này bao gồm việc sử dụng thông điệp “nhà vô địch”, hình nền trong các ảnh, tư thế chụp hình, các môn thể thao được lựa chọn để làm hình/clip và một số các câu nói khác. Từ việc sử dụng như vậy, Ovaltine đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khiến họ hiểu lầm rằng Chiến dịch Ovaltine có liên hệ đến Chiến dịch Milo và điều này đã được thể hiện qua rất nhiều phản ứng từ người tiêu dùng trên mạng xã hội. (nguồn từ cafebiz.vn)
Để chứng minh Ovaltine xâm phạm bản quyền, Milo sẽ rất khó khăn. Về lý thuyết, luật bản quyền không trực tiếp bảo hộ các ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng đó. Một tác phẩm muốn được bảo hộ bản quyền phải đảm bảo hai điều kiện tính nguyên gốc và tính định hình. Tức là ở đây sẽ phải xem xét thông điệp truyền thông thể hiện thế nào ở các ấn phẩm truyền thông, nó có sự sao chép ở bố cục thể hiện, thiết kế hoặc bất kỳ cách thể hiện nào khác không. Ý tưởng xuyên suốt trong các ấn phẩm truyền thông chưa phải là tác phẩm hoàn chỉnh nếu nó không được thể hiện dưới dạng một hình thức vật chất nhất định, do vậy chưa đủ để được bảo hộ bản quyền. Đối tượng chưa được bảo hộ bảo hộ bản quyền nên chưa là căn cứ để xử lý xâm phạm được.

Team Đỏ đại chiến Team Xanh, xử lý thế nào theo góc độ pháp lý?Hình ảnh về hai tấm pano quảng cáo của Milo và Ovaltine Việt Nam. Ảnh: S.T(Nguồn ảnh: enternews.vn)

Vậy xử lý thế nào?
Luật Cạnh tranh định nghĩa “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.
“Các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” là một khái niệm rất mơ hồ và khó đưa ra giới hạn, bởi vậy Luật Cạnh tranh đã liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong số các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác được định nghĩa là “hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Mặc dù team Xanh (đối tượng cạnh tranh) được đề cập đến trong các ấn phẩm truyền thông của Ovaltine thuộc diện “ai-cũng-biết-là-ai-đấy” nhưng không được đề cập trực tiếp nên sẽ gây ra nhiều tranh cãi rằng đây thực chất có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không. Do vậy mà, để chứng minh Ovaltine cạnh tranh không lành mạnh, Milo cần nhiều hơn các chứng cứ đã được lưu hành trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua.
Cuộc chiến trong ngành F&B đã chứng kiến các cuộc đối đầu kinh điển (về mặt truyền thông) giữa CocaCola và Pepsi, giữa Mc Donald và Burger King, nhưng những cuộc chiến này đều xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Lần đầu tiên, một cuộc chiến “khá trực diện” được tiến hành tại Việt Nam, không chỉ thách thức team marketing của cả hai bên Ovaltine và Milo mà còn là một thách thức lớn trong việc áp dụng pháp luật để xử lý.

Giáo sư âm nhạc – có cần phải mua vui?

Việc ca sỹ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VATA) ghi nhận chức danh giáo sư âm nhạc trên Bằng khen vì “đã có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển Di sản Văn hóa Việt Nam” đã gây nên nhiều phản ứng từ công chúng. Vậy để được gắn chức danh giáo sư kèm tên của mình ca sỹ Ngọc Sơn phải đảm bảo những tiêu chuẩn như thế nào?

Giáo sư âm nhạc - có cần phải mua vui?Bằng khen ghi nhận ca sĩ Ngọc Sơn là Giáo sư âm nhạc.Ảnh: Đại diện truyền thông của Ngọc Sơn cung cấp(Nguồn ảnh: thanhnien.vn)

Theo quy định, tiêu chuẩn đầu tiên của một cá nhân khi đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư là “Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện” (Khoản 1 Điều 8 Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư).

Giáo sư âm nhạc - có cần phải mua vui?Ca sĩ Ngọc Sơn. Nguồn ảnh: thethaovanhoa.vn

Nhà giáo theo định nghĩa tại Điều 70 Luật Giáo dục là “người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”. Bên cạnh đó, việc xét công nhận chức danh giáo sư cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại Quyết định 174/2008/QĐ-TTg và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Theo quy định tại các văn bản này, đơn vị duy nhất được xét duyệt công nhận chức danh giáo sư là Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Chức danh giáo sư khi đi kèm tên với cá nhân được xét duyệt thông thường cũng chỉ ghi ngắn gọn “giáo sư” không đề cập đến lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

Để được gắn chức danh giáo sư kèm tên của mình, ca sỹ Ngọc Sơn trước hết phải hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy (giáo dục về âm nhạc, nghệ thuật hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác). Trong bản khai đăng ký gia nhập VATA, phần nghề nghiệp chuyên môn là ca sỹ và nơi làm việc tự do. Điều này có nghĩa là “giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn” không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giảng dạy – điều kiện đầu tiên để có thể được xét công nhận là giáo sư.

Ông Lê Ngọc Dũng – Chủ tịch VATA trả lời Báo Thanh Niên về chức danh “giáo sư âm nhạc” trong Bằng khen là do “anh ta khai thế” và “Người ta khai thì người ta chịu trách nhiệm chứ liên quan đến chúng tôi đâu”. Không thẩm định thông tin của hội viên là thể hiện sự yếu kém trong quản lý và thiếu hiểu biết pháp luật. Không thừa nhận sự sai sót trong các văn bản mà mình đã ban hành thể hiện sự vô trách nhiệm với cộng đồng và với chính hội viên của mình.

Liệu có cần sử dụng một học hàm để … mua vui?

Việc cố tính gắn lĩnh vực chuyên môn cụ thể “âm nhạc” vào sau chức danh “giáo sư” có phải nhằm mục đích lập lờ đánh lận con đen? Các bên có thể biện minh rằng, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì không có chức danh giáo sư nào là “giáo sư âm nhạc”, đây là một cách gọi vui vẻ, dành để tặng cho những người có những “cống hiến” trong âm nhạc. Nói như nhạc sỹ Nguyễn Cường “Nếu trước đây chưa từng có thì bây giờ có. Ngọc Sơn có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, anh ấy xứng với danh hiệu này!” có hợp lý?

Giáo sư là một chức danh cao quý, để đạt được chức danh này, các nhà giáo phải trải qua quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, có các công trình nghiên cứu, các thành tích trong hoạt động nghề nghiệp và khoa học, trước khi đạt được học hàm giáo sư họ phải đạt được học vị tiến sỹ theo quy định của Nhà nước. Việc sử dụng chức danh này để “mua vui” có thể là một sự xúc phạm đối với họ – những nhà giáo chân chính luôn phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục và khoa học.

Cho dù sử dụng chức danh “giáo sư âm nhạc” vì bất kỳ mục đích nào thì cũng nên khép lại. “Một vài trống canh” đã qua rồi, chức danh giáo sư cần phải được trả về với đúng ý nghĩa và sự tôn vinh cần có.

Tám Trần