Mỗi khi giới công nghệ “trình làng” một ứng dụng mới, đặc biệt đối với các ứng dụng hỗ trợ chia sẻ thông tin, ghi âm ghi hình, những lo ngại về vấn đề vi phạm bản quyền bị đẩy lên cao do hệ thống luật pháp chưa thể thích ứng được ngay với những thay đổi chóng mặt về công nghệ này.
Nhìn lại lịch sử
Vào những năm 1970, Sony sản xuất VCR (thiết bị giúp cho người dùng có thể thu lại các chương trình phát sóng trên truyền hình để xem tại nhà). Đến năm 1979, Sony đã bị 2 hãng phim Universal Studios và Disney kiện do cáo buộc về hành vi gián tiếp vi phạm bản quyền, khi máy VCR sử dụng kĩ thuật Betamax của Sony được người mua sử dụng để thu lại các bộ phim phát sóng, ảnh hưởng đến doanh thu hãng phim. Theo quan điểm của Tòa án tối cao Hoa Kỳ thiết bị đó được sáng tạo ra không nhằm mục đích vi phạm bản quyền do vậy mà Sony không phải chịu trách nhiệm về hành vi của người sử dụng.
Đầu những năm 2000, công nghệ mới Peer to Peer (P2P) xuất hiện, cho phép người sử dụng máy tính truy cập ngay lập tức vào các tệp dữ liệu (file) ghi trong tất cả các máy tính nối mạng trên thế giới mà không cần phải thông qua máy chủ, với điều kiện các máy tính đó cũng cài phần mềm P2P. Vấn nạn xâm phạm bản quyền một lần nữa được đẩy lên cao qua việc người dùng chia sẻ với nhau những dữ liệu mà không xin phép. Các công ty chuyên cung cấp ứng dụng P2P như Napster, Grokster,…đã phải chịu các án phạt vì những cáo buộc về việc phổ biến một nền tảng khuyến khích hành vi vi phạm bản quyền.
Sự bùng nổ của live-stream
Live-stream đầu tiên được sử dụng với tên gọi Upstream, giúp cho binh lính Mỹ ở nước ngoài có thể nói chuyện trực tiếp với người thân. Live-stream thực tế là một hình thức cải biến từ sử dụng webcam hay video call, nhằm truyền trực tiếp hình ảnh đến với người sử dụng. Không chỉ live-stream bằng điện thoại, tablet, giờ đây người dùng còn có thể live-stream trực tiếp từ laptop, PC. Đi đầu trong các ứng dụng live-stream có thể kể tới Meerkat, Perescope – được phát triển bởi Twitter, sau đó là Facebook Live và Youtube Connect. Ngoài những tác dụng không thể phủ nhận khi định hình một thói quen mới của người tiêu dùng là chia sẻ ngay các sự kiện xung quanh mình tới người dùng khác, vô hình chung, live–stream đã tạo điều kiện cho hành vi xâm phạm bản quyền mới và ngày càng phổ biến.
Lỗi ở nhà cung ứng?
Rojecta, trang web do Puerto 80 (một công ty Tây Ban Nha) điều hành, cho phép người dùng đăng tải các liên kết miễn phí dẫn tới video phát sóng trực tiếp các trận đấu bóng đá được cung cấp bởi bên thứ ba mà không được phép. Năm 2014, LFP (Liên đoàn bóng đá Pháp)– đơn vị có bản quyền phát sóng các sự kiện bóng đá Pháp, đã đệ đơn khiếu nại Puerto 80 lên tòa án Pháp. Phản bác lại, Puerto 80 lập luận rằng họ là nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trực tuyến, tức là bên thứ 3, do đó không phải chịu trách nhiệm về nội dung tạo ra bởi người dùng của mình.
Tòa án Pháp nhận định rằng website này hoàn toàn có thể kiểm soát nội dung, đồng thời đã trực tiếp tạo điều kiện cho việc tạo ra các liên kết chứa nội dung vi phạm từ người dùng, bên cạnh đó còn sắp xếp, tổ chức và lưu trữ lại một cách hợp lý và có chủ đích. Dựa theo luật dân sự Pháp, có sự áp dụng từ Chỉ thị Thương mại điện tử EU, các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ mất đi vị trí vô can của mình, bởi họ có sự nhận thức và kiểm soát đối với nội dung vi phạm đó. Kết quả, Tòa án Pháp ra lệnh cho Puerto 80 xóa bỏ toàn bộ nội dung và liên kết tới các trận bóng đá, đồng thời bồi thường thiệt hại cho LFP 100.000 Euro.
Công nghệ càng phát triển, vấn đề vi phạm bản quyền càng trở nên phức tạp. Ảnh: Trbimg
Khác biệt hoàn toàn với Pháp (một quốc gia điển hình áp dụng hệ thống luật civil law – hệ thống pháp luật châu Âu lục địa), Hoa Kỳ – quốc gia áp dụng hệ thống pháp luật common law (hệ thống pháp luật thực định, luật Anh – Mỹ) lại có cách ứng xử hoàn toàn khác. Tháng 4 năm 2015, 2 kênh truyền hình HBO và Showtime đã yêu cầu gỡ toàn bộ video đã phát trực tiếp trận đấu quyền anh lịch sử giữa Flyod Mayweather và Manny Pacquiao trên ứng dụng live-stream Meerkat và Periscope (Twitter) do vi phạm bản quyền và ảnh hưởng đến doanh thu đến từ phí truyền hình. Tòa án cho rằng đơn vị cung cấp ứng dụng đóng vai trò bên thứ ba, nền tảng họ cung cấp không nhằm mục đích chính là đăng tải những nội dung vi phạm.
Để hạn chế các vấn đề pháp lý có thể nảy sinh do mục đích của người sử dụng, và cũng nhằm tuyên bố mình vô can, các nhà phát triển ứng dụng đang tích cực trong việc đưa ra những chính sách về bản quyền đối với người dùng. Tháng 2 năm 2017, mạng xã hội Facebook và kênh truyền hình Foxtel đã cùng nghiên cứu một công nghệ mới, có thể nhận ra các luồng vi phạm bản quyền tự động và tắt nó ngay sau khi chúng được bắt đầu. Vào tháng 10 năm 2016, Cisco đã cho ra đời phần mềm ngăn chặn phát sóng bất hợp pháp (SPP), giúp định vị nội dung bất hợp pháp trên internet mở cũng như mạng lưới xâm phạm khép kín.
Trách nhiệm của người sử dụng
Trên thế giới, các đơn vị tổ chức đều trang bị cho mình những “vũ khí” để phòng vệ trước những hành vi quay lén, live-stream trực tiếp mà chưa được phép. Trên các tấm vé vào cửa, họ để thông báo về việc buộc phải mời khán giả ra ngoài nếu có bất cứ hành vi phát trực tiếp trái phép nào. Trong nội quy cũng có những quy định về việc cấm quay phim chụp ảnh trong khu vực biểu diễn hay trình chiếu. Ví dụ, sau một tấm vé của Giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ có ghi: “Người giữ vé không được phép truyền tải hoặc trợ giúp truyền tải bất kỳ hình ảnh, hình ảnh, video hay tài liệu nào khác trong bất kỳ phương tiện truyền thông nào toàn bộ hay một phần của trận bóng”
Tại Việt Nam, đầu năm 2017, Ngô Thanh Vân cùng Công ty BHD đã lập biên bản và mời một khán giả ra khỏi rạp vì live-stream nội dung phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể”. Nhà sản xuất phim “4 năm 2 chàng 1 tình yêu” đã phải yêu cầu khán giả gỡ bỏ những đoạn live-stream trên trang cá nhân. Đây đều là những nỗ lực tự thân, chưa có tiền lệ nào về việc xử phạt đối với người vi phạm tại các cơ quan có thẩm quyền.
Việc công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy, việc live-stream các buổi biểu diễn, bộ phim chiếu rạp mà không có sự cho phép của chủ sở hữu là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý. Và trước khi xem xét bên cung cấp nền tảng có đang tạo điều kiện cho hành vi xâm phạm bản quyền hay không thì người sử dụng có hành vi này chắc chắn đang xâm phạm bản quyền. Để hạn chế, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên, chủ sở hữu, các cơ quan thực thi pháp luật, và cả các nhà phát triển nền tảng, cung cấp ứng dụng.
© Hà My – TamTran
(Bài đăng trên Báo Khoa học & Phát triển)