Năm 2016, Tòa án tối cao Indonesia đã ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu IKEA (nhãn hiệu dành cho các sản phẩm nội thất nổi tiếng của Thụy Điển) với lý do ba năm liên tiếp không được sử dụng tại quốc gia này. Sau phán quyết chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu IKEA Thụy Điển, nhãn hiệu IKEA được cấp cho một công ty Indonesia cũng trong ngành nội thất. Theo quan điểm của cơ quan có thẩm quyền Indonesia, việc đăng ký nhãn hiệu IKEA của công ty này hoàn toàn trung thực, không có dấu hiệu lợi dụng uy tín và danh tiếng của IKEA Thụy Điển, bởi IKEA được viết tắt của các từ Intan Khatulistiwa Esa Abadi (theo ngôn ngữ Indonesia đây là từ gợi liên tưởng đến ngành nội thất).

Giám sát sở hữu trí tuệ Cửa hàng Ikea tại Indonesia. Ảnh AP

Hầu hết các quốc gia đều có quy định rằng, nếu đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng thì sau một thời gian nhất định thì có thể bị chấm dứt hiệu lực. Và đa phần các quốc gia quy định thời gian này là 5 năm như Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Việt Nam. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, Singapore yêu cầu người nộp đơn cam kết việc sử dụng nhãn hiệu tại lãnh thổ của họ, cam kết này được nộp kèm theo hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan tiếp nhận đơn.

Việc các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ở một một quốc gia, một lãnh thổ rồi “quên” không sử dụng là không hiếm khi mà kinh doanh toàn cầu trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. Để ngăn ngừa các hành vi đăng ký với mục đích chiếm đoạt, các công ty cũng tiến hành đăng ký nhãn hiệu của mình tại các thị trường tiềm năng mặc dù ngay tại thời điểm đăng ký họ chưa thực sự có kế hoạch kinh doanh cụ thể tại thị trường đó. Tuy nhiên, nhiều công ty quá coi trọng việc đăng ký mà quên đi hoạt động giám sát tài sản trí tuệ dẫn đến gặp rủi ro đối với tài sản trí tuệ tưởng như chắc chắn của chính mình. Do vậy, hoạt động giám sát tài sản trí tuệ cũng là hoạt động quan trọng không kém so với hoạt động đăng ký.

Giám sát sở hữu trí tuệ Ảnh minh họa. Nguồn: IKEA

Là một trong những hoạt động trong quản trị tài sản trí tuệ, giám sát tài sản trí tuệ được thực hiện nhằm mục đích duy trì quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Hoạt động này sẽ giảm thiểu rủi ro bị mất quyền do không duy trì, gia hạn kịp thời hiệu lực của các văn bằng bảo hộ. Đối với những thương hiệu sở hữu những nhãn hiệu rất phổ biến (như Google, CocaCola, Honda, …), giám sát quyền sở hữu trí tuệ nhằm duy trì quyền sở hữu trí tuệ còn là việc để không để công chúng biến nhãn hiệu thành từ ngữ mô tả cho sản phẩm, dịch vụ hoặc trở thành tên gọi cho sản phẩm, dịch vụ tương ứng. Trở lại với vụ việc của IKEA Thụy Điển, cánh cửa kinh doanh tại thị trường đông dân nhất Đông Nam Á của thương hiệu này với tên IKEA sẽ bị đóng lại trừ khi họ thương lượng mua lại hoặc xin được cấp quyền sử dụng từ IKEA (Indonesia).

Giám sát quyền sở hữu trí tuệ cần phải thực hiện liên tục, ít nhất mỗi năm hai lần để đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ luôn được bảo đảm được bảo hộ từ nhà nước. Nếu chưa thực hiện lần nào và Covid-19 đang làm nhiều doanh nghiệp “rảnh”, hãy tiến hành các hoạt động giám sát quyền sở hữu trí tuệ ngay để không phải ngậm ngùi lo đi làm chuồng khi con bò đã mất.

Chúc các doanh nghiệp thực hiện hoạt động giám sát quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả!