“Thẻ đỏ” cho VTVcab trong trận đấu bảo vệ bản quyền

“Thẻ đỏ” cho VTVcab trong trận đấu bảo vệ bản quyền

Tuần vừa qua là một tuần đầy thất vọng đối với giới hâm mộ bóng đá Việt Nam khi Tổng Công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) thông báo ngừng phát sóng Champions League và Europa League vì “bị đối tác cắt quyền phát sóng giải đấu” do “bất lực trong việc ngăn chặn các hành động xâm phạm bản quyền liên tục trên internet”. Chắc hẳn người hâm mộ vẫn còn nhớ, đây không phải là lần đầu tiên VTVCab ngừng phát sóng các trận cầu đỉnh cao ngay giữa mùa giải. Tháng 3/2016, một kịch bản tương tự đã xảy ra, VTVCab cũng đột ngột ngừng phát sóng hai giải đấu trên vì không bảo vệ được quyền của mình trên lãnh thổ Việt Nam. Với tư cách là người bị xâm phạm, VTVCab “dọa” kiện các cá nhân và đơn vị đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền phát sóng của họ ra tòa.

Phạm vi quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đến đâu?

Bảo vệ tài sản trí tuệ trước hết là quyền của chủ sở hữu nếu muốn tài sản trí tuệ được khai thác một cách hiệu quả. Khi chuyển giao cho bên khác khai quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu thường buộc bên nhận chuyển giao thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được chuyển giao, Do vậy, bên nhận chuyển giao trong trường hợp cụ thể này là VTVCab phải thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của đơn vị sở hữu bản quyền. Không thực hiện được các nghĩa vụ cam kết, chủ sở hữu có thể tạm dừng cung cấp quyền phát sóng là phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, có vẻ như các yêu cầu đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của KJ Sports n Media (KJSM) dành cho VTVCab là “hơi quá cao” và không thể thực hiện được căn cứ trên tình hình thực tế của Việt Nam?

Đã từng làm người hâm mộ ngậm ngùi trước đây khi ngừng phát sóng giữa mùa giải vì không bảo vệ được quyền của mình, hẳn VTVCab sẽ có thêm “kinh nghiệm” trong việc đàm phán quyền phát sóng với đơn vị cung cấp là KJSM, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên lãnh thổ Việt Nam. Thật đáng tiếc, kịch bản cũ vẫn xảy ra. Phải chăng là VTVCab đã “liều” đưa vào hợp đồng những cam kết mà họ không thể thực hiện được hay chính họ chưa thực sự nỗ lực hết mức trong khả năng cho phép để trước hết bảo vệ quyền của chính mình và sau đó là bảo đảm quyền lợi được thưởng thức các trận đấu đỉnh cao cho khán giả?

Là các đơn vị lớn, hẳn VTVcab và KJSM đều cân nhắc rất kỹ các điều khoản cũng như khả năng để thực hiện các cam kết trong hợp đồng. Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các thách thức về pháp lý trong thời livestream sẽ “chơi khó” các bên, ngay cả đối với cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ không bị xâm phạm.

“Thẻ đỏ” cho VTVcab trong trận đấu bảo vệ bản quyềnMột pha bóng trong trận đấu bán kết Champions League mùa giải 2016/2017 giữa Real Madrid và Atletico Madrid. Ảnh: Goal

Do vậy, livestream hẳn nhiên không phải là lý do chính dẫn đến VTVcab bị ngừng cung cấp chương trình phát sóng. Bị ngừng cung cấp do vượt quá quyền phát sóng hay bị xâm phạm bởi bên thứ ba hay cả hai chỉ có thể khẳng định được khi bản hợp đồng được công bố. Tất nhiên là viễn cảnh này sẽ không xảy ra khi mà hầu hết các hợp đồng đều quy định các điều khoản bảo mật.

Người hâm mộ có vô can?

Thiệt hại đầu tiên, trong vụ việc này thuộc vể VTVcab. Độc quyền phát sóng một trong những giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh là một “quyền trong mơ” đối với bất kỳ đơn vị phát sóng nào. Tuy nhiên tài chính chỉ là các thiệt hại trước mắt, giảm sút uy tín trước các đối tác mới là thiệt hại về lâu dài trong quá trình đàm phán cung cấp bản quyền chương trình truyền hình. Thiệt hại thứ hai, dành cho người hâm mộ, được thưởng thức các chương trình giải trí đặc sắc là nhu cầu chính đáng. Công bằng mà nói người hâm mộ không hoàn toàn vô can trong vụ việc này. Lỗi của họ là nhận thức về bản quyền còn hạn chế nên vô tình đã khuyến khích các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ “nở rộ”. Quy luật của thị trường, có cung ắt sẽ có cầu, chừng nào còn có khán giả thưởng thức những chương trình giải trí không có bản quyền chừng đó còn có các đơn vị cung cấp bất hợp pháp. Sẽ rất lâu sau đó, hoặc có thể là không bao giờ người hâm mộ lại mới được thưởng thức trở lại những vũ điệu cuồng nhiệt trên sân cỏ, khi mà ý thức về tôn trọng bản quyền được nâng cao hơn hoặc đơn vị sở hữu bản quyền “nới rộng” làm cho các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí dành cho đơn vị phát sóng tại Việt Nam “dễ thở” hơn. Việc bị bỏ lỡ các trận đấu đỉnh cao hẳn đã cho người hâm mộ những bài học đắt giá. Và tin rằng với tốc độ phát triển và hội thập kinh tế quốc tế hiện tại, chúng ta nên kỳ vọng vào điều thứ nhất, nhận thức về bản quyền sẽ được nâng cao hơn, tạo động lực cho những người sáng tạo để tạo ra được những chương trình giải trí chất lượng.

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là một hoạt động khó khăn, tuy nhiên không phải là không thực hiện được. Sự hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của người bị xâm phạm và các cách thức mà họ tiến hành. Năm lần bảy lượt bị mất uy tín trước đối tác, VTVcab tuyên bố sẽ kiện các đơn vị xâm phạm ra Tòa. Liệu họ có làm như họ tuyên bố để tạo tiền lệ cho các vụ việc tương tự có thể phát sinh trong tương lai? Chỉ có thời gian và VTVcab mới cho chúng ta được câu trả lời.

© Tam Tran – Bích Ngọc