Chiếu rọi luật sở hữu trí tuệ vào vụ “Thần đồng đất Việt”, “Ngày xưa”

Chiếu rọi luật sở hữu trí tuệ vào vụ "Thần đồng đất Việt", "Ngày xưa"

Chưa đầy ba tháng đầu năm 2019, hai vụ kiện trong lĩnh vực quyền tác giả thu hút sự quan tâm của cộng đồng lần lượt được đưa ra xét xử, vụ họa sỹ Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) kiện nhà đầu tư Công ty trách nhiệm hữu hạn giáo dục truyền thông và giải trí Phan Thị (Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh về quyền sở hữu 4 hình tượng nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt được xét xử sơ thẩm bởi Tòa án nhân dân quận 1 thành phố Hồ Chí Minh và vụ Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu Hà Nội) kiện Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (đại diện là đạo diễn Việt Tú) đòi quyền sở hữu tác phẩm Ngày xưa (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài) được xét xử bởi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Hình tượng nhân vật được bảo hộ như tác phẩm văn học

Trong một số trường hợp đặc biệt, có một loại hình tác phẩm mới được tạo ra nằm ngoài phạm vi thỏa thuận sáng tạo tác phẩm giữa chủ đầu tư và tác giả đó là trường hợp giữa Phan Thị và Lê Linh trong hợp đồng sáng tạo nên bộ truyện tranh đình đám Thần đồng đất Việt. Cụ thể, có 4 hình tượng nhân vật được tác giả tạo ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, tạo nên 4 “tác phẩm” mới và được bảo hộ độc lập với tác phẩm Thần đồng đất Việt đó là “hình tượng nhân vật”.

Chiếu rọi luật sở hữu trí tuệ vào vụ "Thần đồng đất Việt", "Ngày xưa"4 nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt.(Nguồn ảnh:zingnews.vn)

Việc thừa nhận bảo hộ nhân vật như tác phẩm văn học không mới trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, hình tượng nhân vật được bảo hộ độc lập từ năm 1954 trong vụ DC Comics kiện Towle. Lần lượt theo đó, Úc, Nhật Bản và Vương quốc Anh cũng bảo hộ nhân vật dưới góc độ là một tác phẩm mỹ thuật hoặc tác phẩm văn học. Pháp luật các quốc gia này cũng quy định rất rõ ràng tiêu chí để một nhân vật được bảo hộ như một “hình tượng”. Cụ thể, nhân vật đó phải thật cá tính, đặc sắc, có dấu ấn đặc biệt, sống động đến mức có thể tách rời tác phẩm gốc mà vẫn “sống”. Sự sống động của nhân vật được thể hiện khi nhắc đến nhân vật đó công chúng có thể hình dung một cách rõ ràng về tính cách nhân vật, thậm chí tên nhân vật còn được sử dụng như một tính từ để mô tả tính cách cho các nhân vật tương tự, chẳng hạn như Sở Khanh, Don Juan, hay Chí Phèo.

Tại Việt Nam, tranh chấp giữa Phan Thị và Lê Linh về 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt là tranh chấp đầu tiên được đưa ra Tòa án xét xử. Lợi thế thuộc về Lê Linh khi Tòa án nhân dân quận 1 thành phố Hồ Chí Minh tuyên Lê Linh là tác giả duy nhất tạo nên 4 hình tượng nhân vật này, Phan Thị không được phép tiếp tục khai thác các nhân vật này trong các tập truyện Thần đồng đất Việt tiếp theo, bởi vì như vậy sẽ là xâm phạm vào sự toàn vẹn của tác phẩm cụ thể ở đây là xâm phạm vào sự toàn vẹn của 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo, đây là quyền nhân thân thuộc về tác giả như quy định của pháp luật.

Mặc dù vụ kiện vẫn tiếp tục khi Phan Thị kháng cáo quyết định của Tòa và đề nghị xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, kết luận của Tòa án nhân dân quận 1 thành phố Hồ Chí Minh là một kết luận quan trọng cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng và cũng theo kịp các quốc gia tiên tiến trong việc tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật.

Tác phẩm phái sinh không gây phương hại tới quyền tác giả tác phẩm gốc

Việc Phan Thị không được phép sáng tạo tiếp bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt nếu không có sự tham gia của Lê Linh LÀ KHÁC với việc được làm tác phẩm phái sinh (dựa trên nền tảng một tác phẩm gốc) trong vụ kiện giữa Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú. Bởi “làm tác phẩm phái sinh” là loại quyền tài sản thuộc về chủ sở hữu, tức nhà đầu tư tạo nên tác phẩm.

Đưa ra yêu cầu phản tố trong vụ kiện đòi quyền sở hữu tác phẩm Ngày xưa (hay Thuở ấy xứ Đoài), đạo diễn Việt Tú yêu cầu công nhận tác phẩm Tinh hoa Bắc Bộ, vở diễn thực cảnh mà Tuần Châu Hà Nội đang tiến hành các hoạt động thương mại hóa, là tác phẩm được làm phái sinh dựa trên tác phẩm gốc Ngày xưa. Và yêu cầu này đã được Tòa án chấp thuận.

Chiếu rọi luật sở hữu trí tuệ vào vụ "Thần đồng đất Việt", "Ngày xưa" Một cảnh trong vở diễn Ngày xưa. Ảnh: KT (Nguồn ảnh:vnexpress.net)

Về lý luận, tác phẩm phái sinh là loại hình tác phẩm được sáng tạo dựa trên nền tảng một tác phẩm khác, để được bảo hộ nó buộc phải có mang dấu ấn sáng tạo của tác giả tác phẩm phái sinh, tức là có tính nguyên gốc (một trong hai điều kiện tiên quyết để được bảo hộ bản quyền) và không phương hại đến quyền tác giả tác phẩm gốc.

Nhưng như thế nào là có tính nguyên gốc lại là một vấn đề rất phức tạp vì trong nhiều trường hợp ranh giới xác định tính sáng tạo hay không sáng tạo của tác giả tác phẩm phái sinh trong một tác phẩm phái sinh rất mong manh. Thêm vào đó, vì là tác phẩm phái sinh nên nó cũng buộc phải thể hiện được một phần nội dung của tác phẩm gốc trong đó, có nghĩa là khi thưởng thức một tác phẩm phái sinh, công chúng phải liên tưởng được đến tác phẩm gốc.

Tồn tại độc lập so với tác phẩm gốc nên việc khai thác tác phẩm phái sinh thuộc toàn quyền của chủ sở hữu và tất nhiên luôn kèm theo điều kiện không gây phương hại tới quyền tác giả tác phẩm gốc. Do vậy, quan hệ giữa nhà đầu tư và tác giả tác phẩm phải thật minh bạch và rõ ràng.

Quan hệ giữa chủ đầu tư và người sáng tạo

Trong thời đại mà khán giả có rất nhiều sự lựa chọn cho việc giải trí thì việc đầu tư cho nền công nghiệp giải trí rất quan trọng. Khán giả cần thưởng thức những loại hình giải trí có nội dung và hình thức thể hiện đặc biệt, hấp dẫn. Quan hệ giữa nhà đầu tư và các tác giả sáng tạo được hình thành để đáp ứng nhu cầu đó của khán giả. Nhà đầu tư cần nhà sáng tạo để tác phẩm thuộc sở hữu của mình thật ấn tượng, thu hút, mang lại doanh thu cao nhất, ngược lại nhà sáng tạo cần nhà đầu tư để tác phẩm của mình được thăng hoa, có giá trị nghệ thuật.

Pháp luật Việt Nam có quy định cứng về mối quan hệ hữu cơ này. Theo đó, nếu không có thỏa thuận khác, nhà đầu tư sẽ là người sở hữu tác phẩm, có toàn quyền khai thác các giá trị kinh tế từ tác phẩm, “định đoạt số phận” của tác phẩm hay cho phép người khác được làm tác phẩm phái sinh. Tác giả, người sáng tạo tác phẩm, sẽ được hưởng đầy đủ các quyền nhân thân theo quy định của pháp luật như quyền được đứng tên trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc phẩm dưới bất kỳ hình thức nào mà gây tổn hại đến danh dự và uy tín của mình.

Để mối quan hệ giữa nhà đầu tư và các nhà sáng tạo thực sự bền vững, góp phần làm phong phú nền văn hóa nghệ thuật, hạn chế thấp nhất các tranh chấp có thể xảy ra kìm hãm sự phát triển, các bên trong quan hệ sáng tạo đều phải nhận thức sâu sắc về bảo hộ bản quyền, phạm vi được phép và không được phép. Và để tập trung cho sự sáng tạo, các tác giả nên có luật sư của riêng mình nhằm ngăn ngừa các xung đột có khả năng phát sinh trong tương lai.

Tam Tran (IP Attorney)