Trước nghi án hit Đâu chỉ riêng em của Mỹ Tâm đạo giai điệu của một ca khúc nhạc Hoa, nhạc sỹ Khắc Hưng khẳng định mình chưa nghe ca khúc Tình lay động lòng nhói đau bao giờ. Liệu lời khẳng định của nhạc sỹ Khắc Hưng có đúng, nếu không ai là người có thể kết luận “đạo” hay “không đạo”? Và ai là người có thể “xử” được trong trường hợp có vi phạm.
Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi phổ biến các tác phẩm nghệ thuật tới công chúng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Bởi thế, việc tương tự hay “na ná” nhau về giai điệu giữa các tác phẩm âm nhạc có nguồn gốc từ các quốc gia khác nhau thường xuyên xảy ra. Việc ứng xử giữa các bên liên quan trong trường hợp có sự tương tự giai điệu rất quan trọng để xác định có hay không hành vi vi phạm.
Về bản chất, tác phẩm âm nhạc là một loại tài sản dân sự thuộc quyền sở hữu của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm (theo thỏa thuận). Sự tương tự nhau về giai điệu giữa các ca khúc khác nhau có thể coi là hành vi sao chép một phần tác phẩm. Tuy nhiên, sự xác định có sao chép để kết luận có hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc ai là người đưa ra cáo buộc xâm phạm, và ai là người xử lý hành vi xâm phạm đó.
Hình ảnh ca khúc Đâu chỉ riêng em của ca sĩ Mỹ Tâm. Nguồn ảnh: baogiaothong.vn
Là một quan hệ pháp luật dân sự, nên khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, chỉ chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền của chủ sở hữu mới quyền tiến hành các thủ tục xử lý hành vi xâm phạm. Và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể xử lý được hành vi xâm phạm quyền tác giả khi nhận được yêu cầu của người có quyền.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Bern năm 1886 về bảo hộ quyền tác giả văn học và nghệ thuật. Do vậy, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ một tác phẩm được công bố ở Trung Quốc và ngược lại mà không phải thông qua thủ tục đăng ký. Điều này có nghĩa là, ca khúc Tình lay động lòng nhói đau tự động được bảo hộ ở Việt Nam khi công bố ở Trung Quốc mà tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ca khúc này không cần phải tiến hành bất kỳ hoạt động đăng ký nào tại Việt Nam.
Trong trường hợp bị sao chép (đạo), tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ca khúc này có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam xử lý hành vi xâm phạm. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam là “Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” (Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ). Để áp dụng được các biện pháp cho phép theo quy định của pháp luật, cơ quan này phải thông qua trình tự thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền nào xử lý xâm phạm phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có quyền đưa ra yêu cầu xử lý xâm phạm.
So sánh giữa lựa chọn giữa các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì Thanh tra Văn hóa đang là cơ quan được lựa chọn nhiều hơn khi xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi sự thời gian giải quyết nhanh chóng và dứt điểm. Xét về bản chất quan hệ pháp luật (và các quốc gia trên thế giới cũng thường áp dụng như vậy) thì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên được đưa ra giải quyết tại Tòa án để chủ thể quyền được nhận lời xin lỗi công khai cũng như được bồi thường các thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm gây nên. Tuy nhiên, việc xử lý tại Tòa án ít được lựa chọn do quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án tương đối rắc rối và kéo dài so với việc giải quyết tại cơ quan hành chính.
Cho dù lựa chọn cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm nào, thì trong mọi trường hợp việc kết luận có hay không sự sao chép giai điệu giữa hai ca khúc Đâu chỉ riêng em và Tình lay động lòng nhói đau thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về tâm lý, chủ thể quyền ít đưa ra yêu cầu xử lý với những vụ việc nhỏ và thiệt hại không lớn, bởi họ ngại đối mặt với các thủ tục xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật.
Khắc Hưng có thể yên tâm rằng không cơ quan trong những cơ quan có thẩm quyền kể trên đưa ra kết luận anh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác khi người đó không đưa ra yêu cầu. Và nếu chủ thể quyền không đưa ra yêu cầu thì “xử” được anh hay không thì chỉ có anh mới có thể trả lời được mà thôi.