MV hơn 42 triệu views “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh “suýt” bị gỡ khỏi Youtube vì lý do bản quyền, trước đó là Noo Phước Thịnh với MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”, nhưng thiếu may mắn hơn Bảo Anh, MV của Noo Phước Thịnh bị gỡ khỏi Youtube khi MV đạt được hơn 30 triệu views.
Tháng 12 quả là không may mắn cho Bảo Anh khi MV hơn 42 triệu views “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của cô có nguy cơ bị gỡ khỏi Youtube vì MV có sử dụng đoạn nhạc nền được lấy từ hai bản hoà âm có tên “Icarus” và “Glimmer Of Hope” của nhà soạn nhạc Ivan Torrent, tất nhiên việc sử dụng này là chưa được phép.
Rất nhanh chóng ê kíp của Bảo Anh đã đã gửi lời xin lỗi chân thành tới tác giả đồng thời trả phí sử dụng bản quyền gần 100 triệu đồng cho bên quản lý Ivan Torrent để MV vẫn được “an toàn” trên Youtube. Phía nữ ca sĩ cũng thừa nhận, do “sơ sót”, “không hiểu rõ về luật” từ Youtube nên phía ê kíp sản xuất đã sử dụng 2 đoạn nhạc ngắn mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền, mặc dù trước đó đã trích dẫn link 2 ca khúc nước ngoài khi sử dụng trong MV.
Bài hát ‘Sống xa anh chẳng dễ dàng’ của Bảo Anh. Nguồn: baomoi.com
Kế thừa, sử dụng các tác phẩm của người khác tạo nên tác phẩm của mình là việc thường xuyên được thực hiện trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, trong hoạt động kinh tế kinh doanh nói chung. Việc kế thừa này sẽ giúp tạo ra được các tác phẩm chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đó cũng là lý do mà các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học nói chung chỉ được bảo hộ trong thời hạn nhất định, hết thời hạn bảo hộ tác phẩm thuộc về công chúng, ai cũng được tự do sử dụng. Và tất nhiên để được sử dụng hợp pháp luật pháp phải có quy định cụ thể. Trong trường hợp tác phẩm còn thời gian bảo hộ nếu không thuộc trường hợp được sử dụng tự do, người sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác để tạo nên tác phẩm của mình phải có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm mà mình đã sử dụng.
“Sơ sót” và “không hiểu rõ luật” là cụm từ thường được các nghệ sỹ sử dụng để biện minh cho việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, hẳn các nghệ sỹ đều mong muốn được người khác đặc biệt là công chúng tôn trọng và ghi nhận giá trị các tác phẩm của mình. Để đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tiên từ các nghệ sỹ là tôn trọng sự sáng tạo của người khác, thể hiện bằng việc nếu có sự sao chép hay sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác để tạo ra tác phẩm của mình, là phải được phép, bên sở hữu bản quyền tác phẩm được sao chép phải được hưởng phí bản quyền đối với phần tác phẩm của họ. Sự xin phép và trả phí bản quyền cho phần mà mình sử dụng tạo nên một tác phẩm mới (để kinh doanh) thể hiện sự hiểu biết, văn minh trong hoạt động nghệ thuật. Cứ “không hiểu” và “sơ sót” mãi, các tác phẩm nghệ thuật sẽ đi về đâu nếu không có con đường mà khán giả và công chúng nói chung có thể tiếp nhận một cách dễ dàng nhất?
Tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ là điều kiện đầu tiên và cốt lõi để có một sản phẩm sáng tạo hợp pháp. Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sử dụng nền tảng của bên thứ ba (Youtube) để chuyển tải tác phẩm đến công chúng, các nghệ sỹ không chỉ phải tuân thủ luật của bên cung cấp nền tảng mà còn phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ. Bởi xét cho cùng liên quan đến lý do bản quyền, chỉ có vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, bên cung cấp nền tảng mới không cho phép sản phẩm có dấu hiệu vi phạm được phân phối trên nền tảng công nghệ của mình.
Việc Youtube “thẳng tay” xóa các video do người dùng đăng tải trên nền tảng của mình, thậm chí xóa kênh của người sử dụng do vi phạm các điều khoản sử dụng, trong đó có vấn đề về bản quyền là chuyện … rất cũ. Mặc dù không phải là “quyết định” từ cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ nhưng việc bị gỡ video do vi phạm bản quyền là một “án phạt” nặng nhất cho bất kỳ người sử dụng nào, bởi “án phạt” này trực tiếp gây ảnh hưởng đến kinh tế của những người đang kinh doanh nhờ vào nền tảng của bên thứ ba.
Tám Trần (IP Attorney)