Năm 2011, David John Slater – một nhiếp ảnh gia người Anh, sống ba ngày trong khu rừng rậm Sulawesi (Indonesia) để chụp ảnh về cuộc sống hoang dã nơi đây. Một lần, Slater đặt máy ảnh trên chân đế, cài đặt góc chụp, căn chỉnh chế độ máy ảnh và đi ra ngoài. Naruto, một chú khỉ trong bầy khỉ ở khu rừng Sulawesi đã nghịch ngợm ấn bừa vào máy chụp hình của Slater. Trong số hàng ngàn bức ảnh mà Naruto “ấn bừa” đó, có một bức ảnh chụp chính chân dung Naruto lại đẹp bất ngờ. Sau đó, Slater đã xuất bản sách giới thiệu đến cộng đồng bức ảnh do Naruto “tự sướng” bằng máy ảnh của mình.
Tranh chấp bắt đầu khi Wikipedia Commons cho đăng bức ảnh Naruto tự chụp miễn phí trên website. Slater nổi giận và yêu cầu gỡ xuống bởi việc đăng tải như vậy là xâm phạm nghiêm trọng quyền của ông đối với bức ảnh.
Nguồn: lightartacademy.com
Đã có rất nhiều tranh cãi đưa ra xung quanh việc tác giả của bức ảnh đó là chú khỉ hay ông Slater. Và Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) cũng khởi kiện Slater tại Tòa án Hoa Kỳ đòi quyền tác giả đối với bức ảnh cho Naturo. Họ đưa ra lập luận bức ảnh do Naturo chụp, theo pháp luật Hoa Kỳ quyền tác giả là của chú khỉ này.
Về lý luận, một trong những điều kiện bắt buộc phải có để tác phẩm được bảo hộ là tính nguyên gốc. Tính nguyên gốc được xác định do bản thân tác giả tạo ra bằng sự lao động sáng tạo của bản thân mà không sao chép từ nguồn khác. Sự sáng tạo không thuộc về tự nhiên, mà thuộc về con người, do con người lao động bằng tư duy tạo nên. Tự nhiên thì không thể có tư duy. Tòa án Hoa Kỳ đưa ra kết luận tác phẩm do con khỉ (một thực thể tự nhiên không phải con người) bấm nút dù có tính nghệ thuật cũng không được bảo hộ quyền tác giả cho chính nó. Do vậy, Naturo không đủ tư cách để được công nhận là tác giả bức ảnh. Phán quyết cuối cùng được Tòa án đưa ra vào tháng 5 năm 2018.
Vậy mà, ở Việt Nam có những đơn vị kinh doanh về bản quyền chỉ cần quan tâm tâm tác phẩm mà không cần quan tâm đến sự sáng tạo của tác giả. Ngày 9/1/2010, giải Zing Music Awards đã tôn vinh ca khúc “Gánh mẹ” (nhạc phim “Lật mặt: Nhà có khách”) trong hạng mục Nhạc phim được yêu thích nhất. Theo công bố của Ban tổ chức, ca khúc “Gánh mẹ” do nghệ sỹ Quách Beem sáng tác và thể hiện.
Cách đây vài tháng, Trương Minh Nhật – một nhà thơ tự do, tố cáo Quách Beem “ăn cắp” bài thơ “Gánh mẹ” của mình để phổ nhạc cho ra đời ca khúc “Gánh mẹ”. Để chứng minh, Trương Minh đã đưa ra chứng cứ “Gánh mẹ” (của ông) được công bố sớm hơn thời điểm Quách Beem được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm “Gánh mẹ” sử dụng trong phim “Lật mặt: Nhà có khách”.
Nguồn ảnh: tinnhac.com
Ông Trương Minh Nhật cũng tiến hành khởi kiện Đoàn Đông Đức (tên thật của Quách Beem) tại Toà án có thẩm quyền yêu cầu công nhận quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trả lời cho những ồn ào liên quan đến giải thưởng này, ngay trước thềm buổi lễ trao giải, đại diện Ban tổ chức trả lời báo chí rằng: “khi tri ân một ca khúc nào đó, chúng tôi tri ân giá trị của ca khúc chứ không tri ân người hát hay người sáng tác. Giải thưởng trao cho tác phẩm chứ không phải trao cho con người” (nguồn: Báo Giao Thông).
Câu trả lời này có vẻ hợp lý nếu không xét đến mối quan hệ mật thiết giữa sự sáng tạo và tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng một tác phẩm nghệ thuật ra đời, không phải tự nhiên mà là do sự sáng tạo của tác giả. Thậm chí do tự nhiên “lao động” tạo ra (như trường hợp của chú khỉ Naruto) thì quyền tác giả cũng không được công nhận cho thực thể tự nhiên đó mặc dù rõ ràng tác phẩm có giá trị nghệ thuật.
Tất nhiên, về mặt pháp lý có thể Ban tổ chức ZMA chẳng gặp vấn đề gì cả vì họ trao giải khi mà Quách Beem đang có Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền ca khúc “Gánh mẹ” cấp cho chính mình. Nhưng việc tôn vinh tác phẩm trong khi chưa rõ tác giả của tác phẩm thì liệu rằng Ban tổ chức ZMA có đang đi ngược với tôn chỉ mục tiêu của giải được đăng tải chính thức trên website của họ, đi ngược với mục tiêu của luật sở hữu trí tuệ nói chung là thúc đẩy sự phát triển của khoa học và nghệ thuật? Nếu việc này không được giải quyết triệt để, có thể tạo ra những tiền lệ xấu, khi mà các giá trị của sự sáng tạo không được đề cao, luật về quyền tác giả không thực sự được tôn trọng – điều mà cả xã hội Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.